Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B theo hình thức BOT: Lo ngại gánh nặng lệ phí

CÔNG TÚ 18/10/2016 08:46

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh vừa chủ trì họp với đại diện các ngành, lãnh đạo 2 huyện Đại Lộc, Nam Giang để nghe góp ý về chủ trương đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL14B theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao). Tại đây nhiều đại biểu không đồng tình với chủ trương này vì lo ngại gánh nặng lệ phí.

ĐOẠN dự kiến mở rộng bắt đầu tại ngã ba Túy Loan (TP.Đà Nẵng) và kết thúc ở cầu Hà Nha (xã Đại Hồng, Đại Lộc). Phạm vi, quy mô đầu tư lại chia thành 2 đoạn: Túy Loan đến nút giao Đại Hiệp (Đại Lộc) đạt 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp với bề rộng 20,5m; nút giao Đại Hiệp đến cầu Hà Nha còn 4 làn xe cơ giới với bề rộng 16,5m. QL14B nối từ cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) đến điểm giao đường Hồ Chí Minh, tại thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang). Dự án cải tạo, mở rộng dài chỉ khoảng 26km. Khẳng định sự cần thiết phải đầu tư đoạn tuyến này, đại diện đơn vị tư vấn lập luận rằng mặt đường nhiều điểm đã hư hỏng, xuống cấp trong khi qua khảo sát thì lưu lượng quy đổi lên đến 23.800 xe chạy ngày đêm.

Cầu Hà Nha nằm trên QL14B, dự kiến đây là điểm cuối của dự án BOT. Ảnh: C.T
Cầu Hà Nha nằm trên QL14B, dự kiến đây là điểm cuối của dự án BOT. Ảnh: C.T

Tuy nhiên, theo Lê Văn Sinh - Phó Giám đốc Sở GTVT, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý duy tu, bảo dưỡng QL14B đoạn qua địa phận Quảng Nam đếm xe mỗi tháng 3 lần và cho biết lưu lượng quy đổi cao nhất khoảng 2.800 phương tiện. Còn theo Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam, QL14B có lưu lượng phương tiện không lớn, quy mô cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tốc xe chạy trung bình đạt 60km/giờ, chưa xảy ra ùn ứ hay tắc nghẽn giao thông. “Mở rộng chiều dài 26km với quy mô 4 làn xe ô tô có cải thiện điều kiện giao thông, tuy nhiên mức độ không lớn, tốc độ xe chạy khó tăng thêm, chi phí vận tải tiết kiệm không đáng kể. Ngược lại, việc phải mua phí cầu đường làm tăng chi phí vận tải rất lớn. Do vậy, hiệp hội không đồng tình với đề xuất đầu tư theo hình thức BOT trong giai đoạn này” - ông Trần Thanh An nói.

Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Phan Xuân Quang kể lại câu chuyện khi ông ngồi bàn luận về BOT mở rộng QL14B với chủ doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy sản xuất trên địa bàn. Chủ doanh nghiệp sinh sống tại Đà Nẵng này cho biết, nếu công trình đưa vào sử dụng, mỗi tháng ông nộp phí cho ô tô con không dưới 2 triệu đồng khi vào ra Đại Lộc. Cạnh đó, phí cầu đường cho lượng lớn xe container lên tới 1 tỷ đồng/tháng, ảnh hưởng không nhỏ hoạt động của công ty. Với hàng loạt cụm công nghiệp nằm ven QL14B, Đại Lộc sẽ mất ít nhiều hấp lực thu hút đầu tư, bởi doanh nghiệp cần phải tính toán thật kỹ chi phí. Ông Phan Xuân Quang giãi bày: “Địa phương rất mừng vì có thêm hạ tầng giao thông, nhưng BOT như thế sẽ không ổn vì chi phí tăng lên, trong khi đời sống người dân trong vùng còn đang rất khó khăn. Nếu được, chúng tôi kiến nghị dùng nguồn ngân sách để đầu tư, còn vẫn sử dụng BOT thì lùi thời gian cho hợp lý”. Phó Giám đốc Sở Tài chính Thân Đức Sửu cho rằng Đoàn ĐBQH tỉnh nên kiến nghị Quốc hội xây dựng cung đường theo hình thức khác. Chứ nếu làm BOT, e rằng chúng ta tạo điều kiện cho miền núi đâu chưa thấy nhưng có khả năng kìm hãm sự phát triển của vùng này vì nhà đầu tư tính toán thiệt hơn sẽ không lên nữa.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức cho rằng nếu đầu tư cung đường này nhằm phát triển miền núi thì Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT cần dùng nguồn ngân sách, quy mô mở rộng tính luôn lên giáp đường Hồ Chí Minh. QL14B là cung đường độc đạo kết nối đồng bằng ven biển với các huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn 30a, 30b như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, việc đặt trạm thu phí trên tuyến sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân sinh. “Cử tri chưa kịp vui mừng cầu Giao Thủy được xây dựng sắp hoàn thành để đi Đà Nẵng cho gần, bà con lại canh cánh nỗi lo “gánh” phí sử dụng đường bộ” - ông Nguyễn Đức nói.

Theo đề xuất của Công ty THHH Trùng Phương (nhà đầu tư dự án), trạm thu phí dự kiến đặt trên quốc lộ 14B thuộc địa phận xã Hòa Khương (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Như vậy, ô tô lưu thông từ Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc ra Đà Nẵng thông qua tuyến ĐT610 - cầu Giao Thủy - ĐT609B - QL14B đều phải trả phí khi qua trạm. Nhưng trong thực tế, phương tiện chỉ lưu thông trên đoạn thuộc dự án BOT dài chưa tròn 8,5km (ĐT609B giao nhau QL14B tại ngã ba Đại Hiệp). “Làm như đề xuất của nhà đầu tư sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế của nhân dân các huyện nêu trên, tạo sự bất công và gây bất bình trong xã hội. Chưa kể, xe từ Thừa Thiên Huế lên Tây Nguyên khi đi qua QL1 - QL14B - đường Hồ Chí Minh, khoảng cách giữa 2 trạm thu phí Bắc Hải Vân và trạm QL14B dài chỉ khoảng 30km là quá dày, tạo thêm gánh nặng cho chủ phương tiện” - ông Trần Thanh An cảnh báo.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B theo hình thức BOT: Lo ngại gánh nặng lệ phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO