Cải thiện năng lực nội sinh nền kinh tế

TRỊNH DŨNG 30/09/2016 09:24

Giải tỏa nút thắt thiếu hụt hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực là những vấn đề khó của Quảng Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Hiệu quả bước đầu

Theo thống kê, hiện Quảng Nam có khoảng gần 5.400 doanh nghiệp (126 dự án FDI, 5.000 doanh nghiệp tư nhân) với tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư tăng 11%, quy mô đầu tư trung bình tăng 10,11%, tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô lao động 12%, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi 60% và tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ chỉ còn 25% và 44% doanh nghiệp nói sẽ mở rộng đầu tư. Chưa có một cuộc khảo sát hay thống kê cụ thể, nhưng với khối lượng vốn đầu tư gấp nhiều lần so với trước đây và khối lượng vốn đăng ký, bổ sung đáng kể của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động đã tạo động lực thúc đẩy phát triển và khai phóng tiềm năng cho kinh tế Quảng Nam. Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, “sẵn sàng” mở rộng sản xuất kinh doanh, đã chứng tỏ môi trường đầu tư, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền đã mang lại nhiều thay đổi.

Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được triển khai tạo điều kiện để Quảng Nam thu hút đầu tư. TRONG ẢNH: Thi công tuyến đường ven biển. Ảnh: T.D
Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được triển khai tạo điều kiện để Quảng Nam thu hút đầu tư. TRONG ẢNH: Thi công tuyến đường ven biển. Ảnh: T.D

Theo các chuyên gia kinh tế, giữa bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều khó khăn, các tập đoàn đa quốc gia đang cắt giảm danh mục dự án đầu tư ra nước ngoài, trong khi đó các quốc gia và địa phương đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút doanh nghiệp, thì việc Quảng Nam thực sự lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tiềm năng chính là nhờ sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh và đề ra các chính sách thu hút phù hợp. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng khuyến cáo rằng trình độ lao động, cơ sở hạ tầng hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu nên các nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở các dự án dịch vụ, thiếu nhiều dự án sản xuất để tạo ra các giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế. Nhiều năm qua, không ít chương trình, dự án phát triển đầu tư nhưng những than phiền của doanh nghiệp vẫn là câu chuyện cũ về cơ sở hạ tầng thiếu hụt và nguồn nhân lực yếu kém.

Tại các cuộc xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp hay phân tích chỉ số PCI thường niên, chính quyền và cơ quan quản lý cũng đã thừa nhận những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp chưa được đáp ứng kịp thời. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân để doanh nghiệp thực hiện dự án vẫn còn khá ách tắc.

Nâng cao năng lực

Cải cách hành chính, thủ tục đầu tư cũng chỉ đóng góp một phần vào sự hấp dẫn đầu tư. Những cải cách vẫn đang dang dở và những cuộc đối thoại để thông hiểu cũng chỉ mới bắt đầu tạo dựng niềm tin nơi doanh nghiệp. Một chiến lược dài hạn để đào tạo lao động có tay nghề cao, một khuôn khổ pháp lý ổn định và đáng tin cậy cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lẫn những cam kết cải thiện cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng mà chính quyền đang tập trung chú ý nhằm thu hút đầu tư mạnh hơn, vẫn chưa đạt như mong muốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng ưu tiên hàng đầu của Quảng Nam là nâng cao hiệu quả các dự án còn hiệu lực. Sẽ dồn sức để huy động các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, các nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xúc tiến, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng dự án và phát triển mạnh sản xuất, kinh doanh

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, có đến 88,5% doanh nghiệp tuyên bố là đã gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động tại Quảng Nam. Nhân lực dồi dào vừa là điểm mạnh, cũng vừa là thách thức khi chất lượng nguồn lao động quá thấp (chỉ có 14% lực lượng lao động hết trung học, 3% trình độ đại học và 83% lực lượng lao động thiếu tay nghề). Nhiều doanh nghiệp nhận xét rằng, để tuyển được nhân viên giỏi và lao động có tay nghề tại Quảng Nam đã rất khó, tuyển nhân viên quản lý cao cấp thì gần như không thể. Khu công nghiệp Tam Thăng đã phải buộc lòng từ chối tiếp nhận thêm các dự án mới vì thiếu lao động, hoặc vùng đông nam rộng lớn đang loay hoay trong cuộc rượt đuổi đầu tư hạ tầng vì thiếu nguồn lực từ ngân sách và không dễ dàng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vì vướng khá nhiều thủ tục. Cho dù chính quyền Quảng Nam đã đưa ra sáng kiến chuyển dịch lao động từ miền núi xuống đồng bằng để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư, nhưng thực tế chỉ mới khởi đầu và không dễ dàng.

Ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đã từng than phiền rằng khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát nhưng thiếu mặt bằng và không phân định được giá đất đã khiến họ bỏ đi. Các nhà đầu tư Nhật Bản hay Hàn Quốc rất quan tâm đến việc đầu tư tại Quảng Nam nhưng đang gặp khó khăn vì khó có thể tìm đâu ra mặt bằng tốt để đầu tư cho các dự án sản xuất và chế biến thực phẩm lớn. Tại các hội nghị đầu tư vào Quảng Nam, không ít chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi rằng địa phương đã có những cuộc khảo sát, tham khảo ý kiến từ doanh nghiệp cần gì hay có cơ quan nào đứng ra mở một cuộc tổng rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng rồi xác định ưu tiên phát triển và đề ra quy hoạch chiến lược dài hạn, cơ chế đầu tư, thuê tư vấn chuyên nghiệp thay vì chắp vá, manh mún như hiện nay hay chưa? Hoặc mở một nghiên cứu độc lập về cái giá phải trả để mời gọi một dự án đầu tư là đắt hay rẻ so với lợi ích thực mà dân địa phương được hưởng lợi từ dự án? Không thực hiện được điều này, cải thiện môi trường đầu tư sẽ khó. Doanh nghiệp sẽ mất lòng tin, môi trường đầu tư và sức cạnh tranh thu hút đầu tư sẽ ngày càng yếu là điều chắc chắn!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện năng lực nội sinh nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO