Cải tiến phương thức trồng lúa

TƯ RUỘNG 09/10/2018 02:15

Cuối tuần rồi, lên Đại Lộc tìm hiểu tình hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, Tư tôi ghé thăm gia đình chị Ba Thanh Vân ở xã Đại Cường. Nghe hỏi về hiệu quả của vụ lúa hè thu vừa qua, chị Ba cho biết lâu nay bình quân 1 sào đất chị vãi 5 - 6kg hạt giống. Do gieo sạ với mật độ quá dày nên cây lúa quang hợp kém, đẻ nhánh yếu và nhiều loại sâu bệnh thường bùng phát mạnh khiến năng suất chỉ đạt 290 - 300kg/sào. Ngoài ra, vì sâu bệnh gây hại nặng nên từ đầu đến cuối vụ chị phải phun 4 lần thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến chất lượng hạt gạo không đảm bảo. Hè thu vừa rồi, nhờ cơ quan chuyên môn hỗ trợ thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa nên chị chỉ vãi 3,5kg hạt giống/sào. Sạ với mật độ thích hợp, cây lúa quang hợp tốt, đẻ nhánh khỏe, phát triển mạnh. Đặc biệt là ruộng lúa ít xuất hiện các đối tượng dịch hại nguy hiểm như bọ trĩ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, đạo ôn… nên trong vụ chị chỉ phun 1 - 2 lần thuốc bảo vệ thực vật. “Thực tế cho thấy, thực hiện mô hình này, bình quân 1 sào tui thu được 325kg lúa khô, tăng 25 - 35kg/sào so với những mùa trước. Không chỉ vậy, áp dụng gói kỹ thuật đó còn giúp tui tiết kiệm tiền mua hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật” – chị Ba chia sẻ.

Ông Lê Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc cho biết, đầu vụ hè thu 2018 các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho 140 hộ dân ở quê chị Ba Thanh Vân để triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa (gọi tắt là IPM) với tổng diện tích 40ha. Ông Thanh nói: “Trước đây, mỗi vụ nông dân địa phương này thường sử dụng 100kg hạt giống lúa để gieo sạ cho 1ha đất và trong vụ phun từ 3 - 4 lần thuốc bảo vệ thực vật. Mùa vừa rồi, áp dụng gói kỹ thuật IPM, lượng hạt giống gieo sạ giảm còn 70kg/sào và việc phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm xuống 1-2 lần/vụ. Tính ra, thực hiện mô hình đó, sản xuất 1ha lúa nhà nông tiết kiệm được 1 - 1,3 triệu đồng chi phí mua hạt giống và thuốc hóa học phun trừ sâu bệnh. Trong khi đó, năng suất lúa bình quân của mô hình đạt 65 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha (quy ra giá trị khoảng 1,8 triệu đồng) so với khi chưa áp dụng gói kỹ thuật ấy”.

Theo tìm hiểu của Tư tôi, ngoài mô hình IPM vừa đề cập, vụ hè thu 2018 ngành chuyên môn của huyện Đại Lộc còn triển khai 4 mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (gọi tắt là ICM) trên cây lúa tại 2 xã Đại Tân và Đại Thắng. Đây là chương trình thuộc dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Ông Lê Văn Thanh cho hay, bình quân 1 mô hình ICM có sự tham gia của 30 hộ dân với diện tích 5 - 6ha. “Không chỉ mô hình IPM tại xã Đại Cường, việc thực hiện gói kỹ thuật ICM ở xã Đại Tân và Đại Thắng cũng giúp nông dân nâng cao năng suất lúa và tiết kiệm một phần chi phí đầu tư nhờ giảm đáng kể lượng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, mỗi vụ nông dân Đại Lộc sản xuất 4.400ha lúa. Để giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung nhân rộng những mô hình sản xuất lúa cải tiến này” - ông Thanh nói.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải tiến phương thức trồng lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO