Cải tiến sản xuất ở làng nghề

BÍCH LIÊN 20/10/2014 09:38

Để từng bước giải phóng sức lao động, tạo sản phẩm đa dạng, phong phú và có sức cạnh tranh trên thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đã chủ động ứng dụng công nghệ nhằm cải tiến sản xuất.

Máy nước nóng năng lượng mặt trời

Gần đây, từ nguồn quỹ khuyến công, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc đã có những hỗ trợ ban đầu tại một số làng nghề. Ví như, ở làng nghề truyền thống bánh tráng Đại Lộc, bên cạnh nỗ lực tự thân của nhiều hộ sản xuất trong việc đầu tư hàng chục máy tráng bánh bán tự động thì mới đây, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện đã hỗ trợ 2 máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời (NLMT) đến 2 chủ cơ sở tráng bánh tại thị trấn Ái Nghĩa. Hai chủ cơ sở được hỗ trợ công nghệ gồm bà Ngô Thị Phượng (khối 4, thị trấn Ái Nghĩa) hiện tráng bánh bằng máy với quy mô lớn và bà Phan Thị Linh (khối 3, thị trấn Ái Nghĩa) vốn là hộ sản xuất lò thủ công ở quy mô vừa và nhỏ. Đây là 2 cơ sở tráng bánh có tiếng tại Đại Lộc, sản phẩm được chọn trưng bày, triển lãm tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, có mặt rộng khắp thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng và một số vùng lân cận. Sau thời gian ngắn áp dụng mô hình, bà Phượng chia sẻ: “Khi chưa có máy nước nóng này, gia đình tôi phải tiêu tốn thời gian, nguồn chất đốt hay điện năng để làm nóng nước lò. Nay, công đoạn này đã được tiết giảm. Một lợi ích nữa là việc tiết kiệm chất đốt giúp chúng tôi cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do chất đốt tạo ra, người lao động cũng ít tiếp xúc với lò hơn trước”.

Sản phẩm được chế tác tại Phước Kiều của nghệ nhân Dương Ngọc Tiển. Ảnh: B.L
Sản phẩm được chế tác tại Phước Kiều của nghệ nhân Dương Ngọc Tiển. Ảnh: B.L

Theo bà Phượng, cơ sở của bà mỗi ngày sản xuất khoảng 150kg gạo, so với lò thủ công trước đó, hiệu quả sản suất tăng gấp 3 lần. Hơn nữa, bánh được tráng bằng máy nên đều, đẹp, dẻo ngon. Có được bước cải tiến sản xuất nói trên là nhờ nỗ lực đầu tư công nghệ tráng bánh bán tự động và máy nước nóng NLMT. Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc khẳng định, bước đầu có thể thấy được hiệu quả kinh tế từ 2 mô hình. Máy nước nóng NLMT đã giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm sử dụng chất đốt. Mô hình lắp đặt tại cơ sở bà Ngô Thị Phượng mỗi ngày giúp tiết kiệm 260 nghìn đồng tiền điện và chất đốt. Trong khi đó, ở cơ sở thủ công của bà Phan Thị Linh, máy giúp tiết kiệm 80 nghìn đồng/ngày, lại hạn chế gây ô nhiễm môi trường như bụi bẩn, khí nóng… “Việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất là hướng đi mới của làng nghề. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả cụ thể, có hướng đầu tư khuyến khích một số cơ sở khác áp dụng công nghệ này” - ông Quang nói.

Máy kết hương bán tự động

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu và thẩm mỹ ngày càng cao của thị trường, một số làng nghề truyền thống tại Đại Lộc như trống Lâm Yên (Đại Minh), hương Phú Lộc (Đại An)… cũng đã nỗ lực “làm mới” mình. Bên cạnh nỗ lực tự thân của làng nghề, của bản thân nghệ nhân, Đại Lộc cũng có một số cơ chế, chính sách giúp làng nghề vượt khó. Trong đó, việc hỗ trợ, đầu tư mua sắm máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất trở nên cấp thiết. Ông Ngụy Sử, một người có thâm niên hơn 40 năm sản xuất hương tại thôn Phú Lộc chia sẻ, ngày trước, tất tần tật công đoạn làm hương đều thủ công, thì nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người làm hương đã chủ động đổi mới phương pháp sản xuất. Chẳng hạn, nếu làm theo thủ công, bà con làng nghề phải lên núi kiếm cây bời lời đem về giã nhuyễn, hong phơi khô làm bột hương, trộn với ít bột quế rồi nhào với nước để cho bột thật dẻo, dễ bị dính chặt, ép chặt vào tăm. Hay như, để có thể tạo những chiếc tăm hương nhỏ, phải đốn tre, chẻ tre để làm tăm và mỗi ngày trung bình một người có thể vót hết một cây tre để làm tăm. Nay, tất cả nguyên liệu đã có sẵn ngoài thị trường, người làm hương được giải phóng sức lao động, hiệu suất lao động lại cao hơn. Bà con làng nghề có thể tạo sản phẩm đẹp mắt với đa dạng mẫu mã, kích thước hoặc có thể lựa chọn những gam màu thích hợp hay sử dụng chất tạo mùi công nghiệp…

Không chỉ tự mua sắm máy nhào bột hương, một số hộ dân làng nghề đã sắm máy kết hương thủ công đạp chân với giá thành 3 - 4 triệu đồng/máy để rút ngắn công đoạn sản xuất. Ngoài ra, 5 hộ dân làng nghề có quy mô sản xuất lớn đã được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư công nghệ kết hương bán tự động, tức máy kết hương chạy bằng điện. Ông Sử cho biết: “Mỗi chiếc máy có giá thành khoảng 15 triệu đồng, được huyện hỗ trợ một nửa, chúng tôi tự bỏ một nửa tiền túi ra mua máy. Việc đổi mới công nghệ giúp gia đình tôi sản xuất nhanh gấp 3 lần so với máy cũ. Không chỉ làm nhanh hơn, sản phẩm tạo ra đẹp hơn, đều hơn với đa dạng chủng loại”… Hiện không chỉ ở Đại Lộc, công nghệ mới này đã được một số làng nghề sản xuất hương trầm trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, bước đầu hiệu quả rõ rệt.

Úng dụng công nghệ mới

Tại một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như mộc Kim Bồng (Hội An) hay đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), nghệ nhân bước đầu đã tiếp cận với một số cải tiến kỹ thuật nhỏ. Làng mộc Kim Bồng đã “làm mới” mình bằng việc đầu tư máy điêu khắc gỗ với quy trình điều khiển qua máy vi tính cho các mẫu mã sản phẩm mộc Kim Bồng theo công nghệ 2D hoặc 3D, bước đầu cải thiện doanh thu rõ rệt…

Trong lúc còn nhiều khó khăn ở làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều, cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Dương Ngọc Tiển được xem là một trong số cơ sở chịu khó tìm tòi, cải tiến công nghệ sản xuất. Chẳng hạn, việc ứng dụng công nghệ cơ trong khâu mài giũa đồng, làm nguội, tức chuyển từ công năng qua điện năng, hay việc dùng khuôn bằng composite, silicon… giúp tạo sản phẩm với chi tiết, hoa văn cầu kỳ, độc đáo. Kể cả việc áp dụng công nghệ để tạo mẫu hoa văn 3 chiều… đã giúp đa dạng hóa mẫu mã, tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm so với sản xuất thủ công truyền thống. Sản phẩm đúc đồng ngoài làm từ khuôn sáp với độ tinh xảo và thể hiện chi tiết sắc nét, khuôn cát tạo bề mặt bóng mịn, công nghệ 3D đã được một số nghệ nhân làng nghề ứng dụng nhằm phối hợp công nghệ khuôn sáp và khuôn cát trên một sản phẩm. Công nghệ này tạo được độ bóng mịn, vừa khắc họa nổi theo không gian 3 chiều… Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển chia sẻ thêm: “Việc đầu tư công nghệ nấu đồng bằng điện là rất bức thiết, công nghệ này đã được các làng nghề phía Bắc ứng dụng. Song với Phước Kiều, chi phí đầu tư công nghệ này lên tới hàng trăm triệu đồng, trong khi nhiều hộ dân làng nghề không có đủ năng lực tài chính để đầu tư, nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước”…

Có thể thấy, trong bối cảnh cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề truyền thống đầu tư máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất của tỉnh còn khá khiêm tốn thì những nỗ lực đầu tư, cải tiến tại các làng nghề nói trên đã góp phần “thắp lửa” làng nghề.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải tiến sản xuất ở làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO