Cảm thức tánh không

ĐÌNH QUÂN 11/02/2013 14:48

Ngày xuân, lạm đàm cái Không để tôi tìm thấy tôi và thầm nhắc chúng ta “đang trên đường”…
Hồi nhỏ tôi mê truyện Tàu. Tôi cũng thường lén gia đình đến rạp hát nài xin người lớn nhận làm con cháu dẫn vào xem các vở tuồng Tây Du Ký. Truyện chữ Tây Du Ký ngày ấy đã cuốn hút tôi. Đặc biệt năm 1986, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc công chiếu bộ phim Tây Du Ký dài 25 tập, vai Tề Thiên do Lục Tiểu Linh Đồng đóng, khi xem chúng tôi thốt lên: Ồ, giống hệt! Như thật! Trong trí tưởng tôi không biết căn cứ vào đâu để cảm nhận người nhập vai Ngộ Không sao lại giống; mà giống là giống cái gì, nhưng vẫn tin như thế… Phố Tam Kỳ trước ngày Quảng Nam tái lập tỉnh rất ít nhà có ti vi trắng đen, phần nhiều dùng hàng bỏ bãi (second-hand)… Có bữa khu phố mất điện, chúng tôi phải khoác vội áo mưa đạp xe quanh phố cố tìm xem bằng được phim Tây Du… Đến nay tôi vẫn chưa giải nổi vì sao già trẻ đều mê truyện Tây Du Ký; còn khi truyện chuyển thể thành phim họ càng đón nhận nồng nhiệt hơn?

Thiết nghĩ, cái sâu xa nhất của vẻ đẹp và lý của sự nhiệm mầu phải chăng nằm trong huyền thoại. Thế nên, cái gì không thấy được, vượt tầm xa với… cốt để con người còn chỗ vươn tới ước mơ, hướng thiện và thêm yêu quý cuộc đời này chăng? Như sử liệu không kể gì nhiều về Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có chăng là những huyền tích huyền thoại với những câu Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự… Hành trình của Tổ trong cái tâm vắng bặt sự phân biệt giữa tự ngã và các pháp để ngài lẫm liệt vào nhà Như Lai (tức tánh không) có phải cũng duyên do trùng ngộ để Ngô Thừa Ân sáng tạo nhân vật Ngộ Không đã làm chúng ta mê say đến tận giờ? 

Ngộ Không do Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai.
Ngộ Không do Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai.

Lịch sử Phật giáo ghi, người được truyền y bát là Tổ thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma; sau ngài sang Trung Hoa thuyết pháp và trở thành Tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa. Yếu chỉ của Thiền tông là tâm truyền tâm: Trực chỉ chân tâm/ Kiến tánh thành Phật; chung quy đều hướng tới sự trống rỗng. Hiểu như vậy chúng ta mới bình tâm hành thâm vào chốn diệu hữu chân không...

Giở đoạn thuyết pháp kỳ lạ của Bồ Đề Đạt Ma trước Lương Võ Đế:

Vua hỏi:

- Thánh đế đệ nhất là gì?

Sư đáp:

- Trống rỗng, không có cái gì gọi là Thánh.

Hỏi:

- Vậy chứ ai đang đứng đối mặt với trẫm đây?

Đáp:

- Không biết.

Bài thuyết pháp dài của Ngài với Lương Võ Đế, chúng tôi tạm trích vài đoạn qua biện giải hàm súc của Léon Wiege:          

“Thân xác là phù du; cuộc đời trôi nhanh; trong thời gian ngắn ngủi này ta tự giải thoát bằng cách tự khám phá lại bóng hình mình.

Nó vẫn không sinh không diệt, không sinh không bớt, không dơ nhiễm và không tự rửa sạch, không yêu không ghét, không đến không đi, không đàn ông không đàn bà, không già không trẻ, không tu không tục, không ừ  không không. Nó không một mà cũng không nhiều, không thánh không phàm. Nó không hình tượng không quan năng, không được không mất. Nó đi vào tất cả và không có gì ngăn cản trở ngại”…(Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma - Phạm Công Thiện).

Luồng tư tưởng thâm diệu của Bồ Đề Đạt Ma quá lạ thường khiến Lương Võ Đế không đủ sức lĩnh hội; do đó ngài phải lên đường về miền cô đơn xa hút của tâm linh. Người đời tất cả đều lầm tưởng. Công hầu khanh tướng ta xem như chiếc giày rách. Thời gian như chiếc lá rơi, gió lướt về lạnh buốt, bốn bề trống không, tạnh ngắt mù khơi. Cõi nào đâu? Miền nào đâu? Sinh linh vạn hữu nào đâu? Nghe xa ngoài cõi thinh không bao biến dịch của bể dâu, vùn vụt trôi trong chớp lóe;  rồi một hôm chợt trực ngộ triệt để về tính bất biến vô sanh của chân tâm, thấy được bản thể tịch nhiên, vắng lặng của lẽ bất sinh bất diệt thường tồn. Ta ẩn mình nơi chùa Thiếu Lâm, lui vào ngọn Tung Sơn, thinh lặng đối mặt triền miên vách núi chín năm. Không đi đứng, không nói năng, trừng trừng vào cõi mù xa thăm thẳm hư vô. Phù du hết. Bọt bèo hết… Xong hét một tiếng dội vào đá núi. Vách mòn đi. Đá vỡ tan. “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Kêu dài một tiếng lạnh thấu trời - Không Lộ). Thời gian, không gian như không hề có ở đây.

Tranh “Mỹ Hầu Vương xuất thế”.  Ảnh tư liệu
Tranh “Mỹ Hầu Vương xuất thế”. Ảnh tư liệu

Còn trong Tây Du Ký, nhân vật Mỹ Hầu Vương sinh ra từ trứng đá, kết tinh tú khí trời đất biểu trưng cho trí tuệ vô sinh, vô ngã, vô thường. Tề Thiên Đại Thánh loạn vườn đào, đại náo Thiên cung là không chấp nhận hay không quy phục bất cứ ràng trói nào. Ngộ Không dõng dạc lên đường, dấn thân hành động, và thế gian này dưới mắt hành giả đều là trò hề, rỗng tuếch. “Đời là bóng tối đi qua, một thằng hề tồi kéo lê đời mình trên sàn diễn” (Macbeth -  Shakespeare). Ta chấp nhận và không ngại ngần đánh đổi. Phật tổ Như Lai dẫu có giam ta dưới chân núi Ngũ Hành hơn ngàn năm nữa cũng chẳng sao. Vì ta biết khi còn đẫm trong cõi Vô minh thân tâm tất còn vướng nhiều lầm lỗi, sân hận...

Một hành giả không chỉ dựa vào lý luận suông về giáo pháp mà phải tinh cần tu tập pháp môn Thiền định. Và dù giỏi đến “biện tài vô ngại” mà không thấu thị sự trống rỗng (chữ Không trong Tâm Kinh) sẽ như cây bồ đề mục rễ. Cốt lõi là năm uẩn đều không, nhờ vào đấy giúp xóa cái “chấp ngã” - nguyên do của mọi lầm lạc, khổ đau. Phật chỉ ra rằng: Chiến thắng chính mình là chiến thắng quan trọng nhất.

Ngộ Không là tiếng vọng lớn nhất chứa ba ngàn cảnh giới trong một niệm. Thế nên, Hành Giả mang tên Ngộ Không về sau cũng là Đấu Chiến Thắng Phật khi vượt qua những vọng tưởng, phiền não. Ngọn Ngũ Hành Sơn chôn chặt Tề Thiên Đại Thánh 500 năm cũng chính là thời gian giam hãm cái Ngã đầy tràn… Tây Du Ký là trường ca bi tráng của thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh mà nhà văn Ngô Thừa Ân đã kịp hư cấu nhân vật rất đặc biệt là Ngộ Không. Ngộ Không là trí tuệ đang ở thời kỳ của mầm giải thoát sau cùng mà chưa là trí tuệ giải thoát sau cùng. Ngộ Không mang đầy đủ tính người như cũng chọc, phá, trêu, ghẹo, kể cả giận, ghét, buồn, thương… nhưng không hề dính mắc vì tất cả còn đang trên đường. Có lẽ pháp sư Huyền Trang cũng từng bùng vỡ dòng tư tưởng Duy thức, trực ngộ cốt tủy Ngũ uẩn giai không của Đức Phật, nhất là thấu triệt triết lý thinh lặng “không biết” và cuộc đáo bỉ ngạn (tới bờ bên kia) bằng bè lau của Bồ Đề Đạt Ma. Trong truyện Tây Du Ký, thầy trò Đường Tăng khi đủ 81 kiếp nạn mới qua sông bằng thuyền không đáy hay thuyền Bát nhã để đến bến bờ giải thoát. Riêng lòng người sao mải lao lướt trong lợi danh và tìm kiếm hoài?

Giữa ngày xuân mà nói chuyện nhân vật Ngộ Không e rằng không đủ. Tuy nhiên, cánh hoa đời hàm tiếu đang nhẹ rung trong gió như thầm gửi ý xuân trường cửu và trường lưu nguồn phúc lạc cho sinh linh vạn hữu. Ngày xuân, nhắc chuyện Tây Du Ký và lạm đàm cái Không, để tôi tìm thấy tôi và thầm nhắc chúng ta nên đang trên đường là vì vậy.

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảm thức tánh không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO