Chuyện Công ty Vàng Phước Sơn bị người dân bao vây đòi nợ vẫn còn xôn xao dư luận. Theo những gì mà báo chí mô tả, có bà bán bánh mì bị nợ khoảng bốn chục triệu đồng, người bán rau bị nợ vài trăm triệu… Vậy con số nợ thực chất bao nhiêu? Ông Darin Lee, giám đốc điều hành của Tập đoàn Besra Việt Nam, trả lời trên Báo Tuổi trẻ cho hay, tổng số nợ khoảng 19 triệu USD, trong đó nợ thuế nhà nước 6 triệu USD, nợ ngân hàng 7 triệu USD và nợ các nhà thầu cùng các loại nợ khác khoảng 6 triệu USD. So sánh thông thường giữa con số nợ này với tổng giá trị tài sản 115 triệu USD đã đầu tư vào 2 nhà máy vàng ở Bồng Miêu và Phước Sơn, xem ra Tập đoàn Besra không đến nỗi phải “bỏ của chạy lấy người”. Song, đứng về phía người dân bán thực phẩm, người cung cấp dịch vụ cùng các nhà thầu chở quặng cho nhà máy vàng Phước Sơn, số tiền bị nợ là lớn, nếu không thỏa thuận và được chấp nhận lộ trình trả nợ khả thi thì khó mà yên chuyện.
Điều khiến nhiều người quan sát cho là chuyện lạ, vì sao đào vàng lên bán mà vẫn nợ? Giải thích cho vấn đề này, ông Darin Lee nói trước hết là do giá vàng tụt giảm mạnh làm mất khoảng 30% giá trị trong khi thuế tài nguyên tăng. Đáng chú ý hơn, có nguyên nhân cho rằng hàm lượng vàng trong quặng khai thác được ở Phước Sơn ngày một giảm đi, từ 11g/tấn quặng nhưng nay chỉ còn 3 - 4g/tấn quặng. Cái này hẳn phải đặt ra bài toán rủi ro do dự báo trật về trữ lượng vàng chăng? Vì bởi, nhớ hồi tháng 4.2008, qua thăm dò, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã ước tính trữ lượng ở 2 bãi Đất và bãi Gõ của mỏ vàng Đăksa khoảng 20 tấn. Trong khi đó, tính từ 2007 đến 2012, Besra chỉ mới khai thác được 5 tấn vàng, nộp thuế hơn 600 tỷ đồng. “Chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả, chúng tôi coi đây là một rủi ro trong kinh doanh khai khoáng”, điều ông Darin Lee tự nhận đã lấp ló cái ý giữa dự báo trữ lượng với khả năng khai thác thực tế chênh lệch không nhỏ. Ngoài vấn đề làm ăn, phải thấy rằng nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã góp phần giải quyết hàng ngàn việc làm, tham gia các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng, tuy nhiên nợ nần sẽ là câu chuyện phải tìm lối ra. Hồi tháng 9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc làm việc để chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chẳng hạn đề xuất việc giãn nợ, kiến nghị xem xét việc truy thu thuế tài nguyên…
Giờ đây, với sự bùng phát từ phía người dân, cần có biện pháp “hạ nhiệt” với những cam kết trả nợ có thời hạn.
Tập đoàn Besra được cấp phép khai thác mỏ vàng Phước Sơn trong vòng 30 năm, giờ mới đi được 13 năm. Hành trình sẽ còn dài. Nhưng so với hành trình tìm vàng trên đất Quảng Nam không là bao nhiêu. Thời thuộc Pháp, mỏ vàng đã hình thành, câu ca xứ Quảng còn lưu dấu “Từ ngày Tây lại Cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu”. Đã bao nhiêu vàng được cầm qua sông, chảy ra nước ngoài mà dân vùng vàng vẫn chưa giàu có gì. Nhưng nếu không có nhà máy khai thác vàng tập trung với công nghệ cao thì “vàng tặc” sẽ xuất hiện, gây thêm bao chuyện rắc rối về an ninh trật tự, quản lý môi trường. “Cầm vàng mà lội qua sông/ vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”, ấy là chuyện cần suy nghĩ.
ĐIỆN NAM