I-ốt là một trong những vi chất rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể con người. Dù nhu cầu cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng nếu thiếu hoặc thừa I-ốt sẽ dễ mắc một số bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Tại Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 60 lượt người đến khám, trong đó hầu hết phát hiện có bệnh và chủ yếu là bệnh lý liên quan đến tuyến giáp gây bướu cổ. Bướu giáp nhân là dạng bướu phổ biến nhất, chiếm tới 80% trường hợp.
Đa số bệnh nhân đến khám trong tình trạng khối u lồi ra ở vùng cổ, khó nuốt, khó thở, sưng cổ, cơ thể mệt mỏi và luôn có cảm giác hồi hộp… Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bướu cổ chính là việc sử dụng thực phẩm chưa hợp lý, dẫn đến thiếu I-ốt.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (77 tuổi) quê ở huyện Thăng Bình cho biết: “Nhiều người nói tôi tuổi cao nên hạn chế dùng muối, do vậy trong các bữa ăn hằng ngày tôi bổ sung rất ít.
Vả lại cứ nghĩ thành phần trong muối mà tôi sử dụng có chứa I-ốt rồi nên cũng không quan tâm mấy. Đến lúc cổ tôi bắt đầu sưng lên, cơ thể tôi dần mệt mỏi, ăn, nuốt hay nói chuyện gì cũng thấy khó. Đến khám ở Phòng khám Đa khoa CDC Quảng Nam mới hay mình bị bướu giáp”.
Thực tế cho thấy chỉ có 6% số người được hỏi dùng gia vị mặn là muối và 75% số người sử dụng các chế phẩm từ muối như: nước mắm, bột canh, hạt nêm… Tuy nhiên những sản phẩm này chứa hàm lượng I-ốt rất nhỏ. Trong khi đó, qua khảo sát, Viện Dinh dưỡng cho biết số người sử dụng muối I-ốt trong cộng đồng có xu hướng giảm mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Văn Bê - công tác tại CDC Quảng Nam cho biết, khi cơ thể bị thiếu I-ốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ và năng suất lao động. Đặc biệt, trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu I-ốt do nhu cầu tăng cao.
Thiếu I-ốt ở phụ nữ mang thai dễ gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Nếu thiếu I-ốt nặng trong giai đoạn mang thai, trẻ sinh ra sẽ dễ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.
Còn thiếu I-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng… Thiếu I-ốt còn gây bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Nhưng nếu lượng I-ốt cung cấp quá nhiều cũng sẽ gây nên hội chứng cường giáp hay gặp nhất là bệnh basedow, u tuyến giáp, viêm tuyến giáp…
“Có nhiều biện pháp phòng chống thiếu I-ốt, một trong những biện pháp hữu hiệu là bổ sung từ muối I-ốt. Và việc bổ sung I-ốt phải diễn ra đều đặn và trong suốt cuộc đời.
Ngoài bổ sung từ muối I-ốt, còn có các thực phẩm gia vị mặn khác được l-ốt hóa như bột canh, nước mắm, bánh mì... Lưu ý là do I-ốt dễ bị bay hơi nên khi người tiêu dùng mua về sử dụng cần để trong lọ có nắp kín. Không để muối I-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu vào” - bác sĩ Bê khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi người chỉ nên ăn từ 3 - 5 gram muối/ngày (khoảng 1 thìa cà phê). Khi sử dụng các gia vị khác giàu natri như nước mắm, nước tương, bột nêm, mắm tôm hoặc các thức ăn mặn như cá khô, tôm khô, dưa muối, cà muối… phải giảm lượng muối ăn vào. Sử dụng muối I-ốt nêm nếm như muối thường khi nấu ăn; muối I-ốt có thể dùng để ướp thức ăn. Một số thực phẩm chứa nhiều I-ốt là tảo, rau cần, cá biển, rau chân vịt, muối biển...