Cần các cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong phát triển đường sắt

DUY MAI 01/06/2017 10:53

  • Bổ sung nhiều nội dung mới vào Luật Tố cáo
  • Quốc hội thảo luận Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
  • Thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội
  • Thảo luận chương trình xây dựng pháp luật tại Quốc hội

(QNO) - Sáng 30.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng hệ thống đường sắt hiện nay của nước ta đã lạc hậu, không còn đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Việc phát triển đường sắt không chỉ là vấn đề phát triển giao thông mà còn phục vụ cho công tác quốc phòng - an ninh, giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, vì vậy thống nhất với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong phát triển đường sắt.

đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: DUY MAI

Về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung quy định Nhà nước ưu tiên quy hoạch quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ sở quốc gia công nghiệp đường sắt, đảm bảo phù hợp với quy định của dự thảo Luật Quy hoạch (sửa đổi). Đối với các ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, đại biểu Phan Thái Bình đồng tình với quy định ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt. Vì đây là lĩnh vực đặc thù, cần vốn đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn rất lâu, do đó cần có bước đột phá nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đường sắt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với quy định bổ sung cấm hành vi mở lối đi dân sinh trong phạm vi đất dành cho đường sắt là rất cần thiết. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy lối đi dân sinh là nhu cầu thực tế và đã tồn tại từ lâu, trong khi đó đường gom qua đường sắt rất ít. Do đó, cần phải xem xét quy định cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời có lộ trình và giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này, nhằm hạn chế tình trạng nạn tai nạn giao thông đường sắt như thời gian qua.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự thảo luật, như: cấm hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, làm cơ sở cho việc xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối hành vi này; mở rộng phạm vi bảo hiểm đường sắt không chỉ đối với hành khách mà còn bảo hiểm cả hàng hóa và tài sản của hành khách đường sắt, nhưng theo hướng tự nguyện, không bắt buộc.

DUY MAI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần các cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong phát triển đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO