Cần có kế hoạch trên con đường khởi nghiệp

PHAN VINH 02/03/2020 12:51

Đó là chia sẻ của chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Thanh Tịnh tại buổi giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các start-up, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh do CLB Khởi nghiệp sáng tạo Tam Kỳ tổ chức cuối tuần qua.

Chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Thanh Tịnh cho rằng, các start-up cần lập kế hoạch kinh doanh và hệ thống hóa doanh nghiệp của mình. Ảnh: P.VINH
Chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Thanh Tịnh cho rằng, các start-up cần lập kế hoạch kinh doanh và hệ thống hóa doanh nghiệp của mình. Ảnh: P.VINH

Ông Tịnh làm việc tại Ban đào tạo Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam, là chuyên gia đào tạo của group Quản trị và khởi nghiệp và là CEO Công ty Nội thất Tứ Hưng.

Lường trước rủi ro

Ông Nguyễn Bão Quốc - Phó Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp sáng tạo Tam Kỳ chia sẻ, thực tế hiện nay, các start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19. Phần lớn sản phẩm đều phục vụ cho lĩnh vực giải trí xã hội, du lịch, nhà hàng, khách sạn… nhưng các hoạt động mang tính tập trung đông người đều bị hoãn lại. Nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, nhiều cơ sở dịch vụ không có khách và việc họ phải làm trước mắt là cho nhân viên nghỉ việc để giảm bớt chi phí thường ngày. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề chủ yếu ở Đà Nẵng và Hội An. Hiện tại, các doanh nghiệp ở Tam Kỳ vẫn đang gắng sức gồng mình, nhưng nếu dịch không có chiều hướng giảm, thực trạng này diễn ra thêm một tháng nữa thì mọi thứ đều khó khăn hơn nhiều.

“Vậy làm thế nào để các start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại trong khoảng thời gian này? Thực ra trong cái khó chúng ta còn có cơ hội, nhất là cơ hội để cạnh tranh mở rộng thị trường ở nhiều lĩnh vực. Phải có kế hoạch, kế hoạch đó phải được lập ngay bây giờ, đó là lý do chúng tôi tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm về việc lập kế hoạch kinh doanh cho các start-up” - ông Quốc nói.

Đồng quan điểm với ông Quốc, chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Thanh Tịnh cho rằng, hiện nay, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cứ muốn làm những điều mình thích. “Ví dụ bạn A thích mở tiệm bánh vì đam mê và có kinh nghiệm làm bánh, rồi vay tiền bạn bè, người thân mở tiệm, thuê nhân viên, thuê mặt bằng…, nhưng bạn A quên mất rằng mình không biết kinh doanh, tiệm bánh sau 3 tháng cầm cự thì thua lỗ. Chính vì vậy, start-up trước khi quyết định làm phải vạch ra được kế hoạch, định hướng được cái gì cần làm trước, làm sau; nắm chắc tỷ lệ thành công được bao nhiêu, lường trước được những rủi ro khi thị trường gặp phải và có cách đối phó với khó khăn trước mắt. Ví dụ, trong diễn biến dịch Covid-19 này, kế hoạch của nhiều người là tuyệt đối không đến nơi đông người, nếu diễn biến xấu đi, nhiều người sẽ tính đến việc dự trữ lương thực… Nghe có vẻ hơi quá nhưng đó là kế hoạch, vì mọi thứ có thể diễn ra mà chúng ta không thể lường trước được” - ông Tịnh nói.

Hệ thống hóa doanh nghiệp

Chia sẻ thêm với gần 50 start-up trên địa bàn tỉnh có mặt tại buổi giao lưu, chuyên gia Đỗ Thanh Tịnh cho rằng, kế hoạch kinh doanh dành cho mỗi sản phẩm/dịch vụ đều bắt đầu từ tầm nhìn và sứ mệnh. Sứ mệnh của sản phẩm đó càng mang tính cộng đồng bao nhiêu thì càng dễ được đón nhận bấy nhiêu. Các doanh nhân thành công trên thế giới, sản phẩm của họ đều mang sứ mệnh phục vụ đại chúng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có tầm nhìn, lựa chọn những lĩnh vực mà thị trường đang có nhu cầu cao và ổn định trong nhiều năm tiếp theo như y tế, giáo dục, giải trí... Khi đã có ý tưởng rồi, các start-up phải phân tích ý tưởng của mình, những ưu/khuyết điểm, cơ hội/thách thức của thị trường để biết mình đang đứng ở vị trí nào, đối thủ là ai. Sau đó mới xây dựng mục tiêu kinh doanh, trong đó phải chắc chắn được doanh số khả thi và doanh số hướng tới trong tháng, quý và năm. Ngoài ra, còn phải xây dựng kế hoạch tài chính; sơ đồ tổ chức; mô tả công việc cho từng vị trí việc làm; xây dựng quy trình làm việc; kế hoạch triển khai công việc theo quy trình; dự báo rủi ro để lên kế hoạch phòng tránh và ứng phó; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tạo lập hồ sơ năng lực và hình thành biểu mẫu.

Ông Tịnh chia sẻ, nhiều start-up vẫn đang khởi nghiệp theo hình thức tự làm chứ không phải làm chủ. Họ tự làm cùng với một vài nhân viên của họ và khi họ vắng mặt thì doanh nghiệp “đứng bánh”, không thể vận hành được. Còn làm chủ thì khác, họ tập hợp những người làm thuê cho họ, vận hành theo một hệ thống nhất định và nếu họ vắng mặt, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

“Chính vì vậy, các start-up nên áp dụng hệ thống hóa doanh nghiệp của mình bằng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ quản lý, để khi bản thân không thể “có mặt” thì doanh thu vẫn đều đặn. Và khi bản thân ít làm việc chuyên môn, thì các start-up đó có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ đến những ý tưởng mới, sáng tạo hơn, đột phá hơn để cạnh tranh với thị trường đang ngày một đổi thay ngoài kia” - ông Tịnh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần có kế hoạch trên con đường khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO