Chủ nhân bảo tàng Đồng Đình (Đà Nẵng), đạo diễn truyền hình về hưu Đoàn Huy Giao khi ngồi “điểm danh” với chúng tôi về những hiện vật trước ngôi nhà mang tên “Ký ức đời rừng” đã ví von rất hay: “Mỗi hiện vật đang cất giữ một câu chuyện văn hóa, lần theo chúng sẽ gặp lại quá khứ và tìm thấy căn cước văn hóa của vùng đất ấy”. Và chính ông Đoàn Huy Giao đã lần ra “căn cước” của làng chài cổ Nam Thọ. Ông cho khắc dòng chữ đầy ẩn ý ngay lối vào gian “Ký ức làng chài” trong không gian bảo tàng Đồng Đình: Đây là sưu tập những mảnh ghép còn lại sau cơn lốc đô thị hóa của làng Nam Thọ.
Trong không gian đặc trưng của làng cổ Lộc Yên được tái hiện ở Sơn Trà, chủ nhân bảo tàng Đồng Đình lưu giữ nhiều dấu vết làng chài cổ An Thọ.ảnh: C.THỤY |
Câu chuyện gần nửa thế kỷ tạo tác Đồng Đình của nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao không còn xa lạ, bởi không gian văn hóa rộng khoảng 1ha nằm cạnh tuyến đường Hoàng Sa dẫn lên bán đảo Sơn Trà từ lâu đã là địa chỉ lui tới của nhiều người, gần đây nhất là khóa trải nghiệm của sinh viên Đại học Queensland (Úc). Nhưng chuyện ông “bắt mạch” được dấu vết một làng chài cổ qua vài hiện vật, kể từ năm 1999 khi mở lối nhỏ từ mép biển đi lên, thì ít người biết. Để rồi bây giờ, trong gian “Ký ức làng chài”, ông cho treo một khung kính có dòng chữ do ông Trần Văn Lự, Trưởng ban khánh tiết đình Nam Thọ viết, như một xác tín về lịch sử vùng đất và gián tiếp ghi nhận công sức của chủ nhân bảo tàng Đồng Đình. Ông Lự viết rằng, làng chài Nam Thọ vốn tách ra từ xã Nam An vào nửa sau thế kỷ XV, do hai vị tiền hiền Trương Công và Nguyễn Hữu từ phương bắc vào khai cơ tại vùng chân núi dọc từ suối Đá ra biển, bao gồm cả chỗ đất dựng bảo tàng Đồng Đình hiện nay. Ban đầu, những vị tiền hiền đó dựa vào bìa rừng có nước ngọt để làm ruộng, sau sử dụng công cụ thô sơ (từ cây cỏ trên núi) để đánh bắt cá, rồi phát triển thành làng chài kể từ đó. Chiêm động Trà Na Sơn, vùng đất đang đề cập, được cho là vùng đất thiêng thượng sơn hạ thủy, có rất nhiều bài văn cúng các thần hiện còn lưu truyền; riêng đình Nam Thọ đang lưu giữ 35 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn…
Trở lại “căn cước văn hóa” mà ông Đoàn Huy Giao từng theo đuổi. Cảm quan ban đầu đã đúng khi mách bảo ông lần theo các dấu vết. Để giờ đây, cạnh chiếc cối đá được cho là do vị tiền hiền Trương Công mang theo trong cuộc khai khẩn đất Nam An từ nửa sau thế kỷ 15, có câu ca dao như phác họa về không gian thấm đẫm văn hóa của đồng bằng Bắc bộ: “Thương cho cái cối cái chày/ Đêm khuya giã gạo có mày có tao”. Tại gian trưng bày thể hiện con đường gốm sứ kéo dài nhiều thiên niên kỷ, ông Đoàn Huy Giao cũng cho in đoạn thuyết minh mượt mà: “Mỗi hiện vật như còn phảng phất hơi thở các triều đại đã qua”.
*
* *
Nói căn cước văn hóa là đề cập những đặc điểm mô tả về cốt tủy văn hóa của xứ sở ấy. Không xứ sở nào không chứa đựng “căn cước” của riêng mình, vấn đề là chúng thường bị khuất lấp hay mất hút trong ngút ngàn thời gian lý tính. Chuyện của ông Giao ở bảo tàng Đồng Đình, hay của những người tâm huyết với lịch sử các vùng đất, có thể hiểu theo nghĩa ấy. Nhưng chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Bởi có những “căn cước” bị chính chúng ta làm cho mai một, và đó mới là chuyện cần bàn.
Đầu tuần này, một người dân ở Cẩm Kim (Hội An) đã đăng dòng trạng thái ngắn trên mạng xã hội Facebook về giếng Thủ Khóa. Một giếng nước có lẽ cũng bình thường như hàng triệu cái khác dọc dải đất miền Trung này, nhưng trong ký ức của những người con xa quê, đó lại là di tích riêng có. Giếng Thủ Khóa, theo mô tả, là nguồn nước uống mát lành cho cả thôn Trung Châu ở Cẩm Kim cách đây vài chục năm, người dân bên An Hội cũng chèo ghe sang lấy nước về dùng. Bẵng đi một thời gian, đứa con xa quê ấy trở lại và bất ngờ nhận ra giếng cũ đã cạn, cỏ mọc um tùm. “Chợt chạnh lòng về ngày xưa từng gánh nước hàng ngày tại giếng này. Chắc phải làm điều gì đó thôi! Và thiết nghĩ xây dựng nông thôn mới cũng cần khơi dậy những mạch nước ngầm dịu ngọt này” - anh viết.
Ôi, chỉ một cái giếng mang tên Thủ Khóa bình dị bị bỏ quên cũng khiến nhiều người ray rứt. Biết bao “mạch nước ngầm dịu ngọt” khô kiệt ở các làng quê đang rầm rộ cải tạo nông thôn mới? Bao nhiêu mỹ danh từng được tiền nhân ưu ái chọn đặt tên cho làng cũ, giờ bị chỉnh sửa và “đánh” lại thành số cho dễ nhớ, như thôn 1 thôn 5 thôn 7? Những cành hoa anh đào giờ được chiết mang sang trồng tận các công viên ở Đà Nẵng, để nhìn hoa nhớ đến xứ sở Phù Tang vì đó là một phần căn cước Nhật Bản. Phiên bản Chùa Cầu vừa dựng ở xứ Thanh, cũng là một cách nhìn cầu nhớ về biểu tượng giao lưu văn hóa Việt - Hoa - Nhật. Trong chuyến rong chơi ở Malaysia, chúng tôi từng bắt gặp một “phiên bản” Chùa Cầu như thế và thấy quê nhà thật gần gũi.
Cái gì khiến chúng ta thảng thốt mỗi khi đánh mất? Đó chính là những dấu vết làm nên hình ảnh quê hương, đôi khi chỉ vụn vặt giống chuyện chiếc giếng cạn ở một bãi bồi, nhưng có giá trị của vỉa than tích tụ trong lòng đất. Tiếc thay, dấu vết ấy lại rất dễ bị thổi bay trong cơn lốc vô tâm nào đó...
CHU THỤY