Tài nguyên khoáng sản tiếp tục bị rút ruột, thất thoát do các cơ chế, chính sách thiếu rõ ràng và minh bạch. Do vậy, thiết lập biện pháp quản trị thông minh sẽ giúp kiểm soát tài nguyên hiệu quả nhất.
Mất nguồn nguyên liệu khoáng sản
Từ nhiều năm trước, dự lường trước hậu quả khai thác nguồn đất sét bừa bãi từ các nhà máy sản xuất gạch, ngói, UBND tỉnh đã quy hoạch, khoanh định vùng khai thác mỏ. Tuy nhiên, núp dưới “vỏ bọc” cải tạo đồng ruộng, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã tận thu hàng triệu mét khối đất, ngoài mất tài nguyên còn để lại nhiều hệ quả xấu về môi trường và xã hội. Đơn cử, từ năm 2015 đến tháng 6.2016, trên danh nghĩa cải tạo mặt bằng, tại khu vực sân bay An Hòa (giáp ranh giữa hai xã Duy Thu và Duy Phú, Duy Xuyên), Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh đã đào bới hàng chục héc ta đất cao lanh đưa về tập kết ngay trong khu vực sản xuất gạch của công ty tại xã Duy Thu, mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Duy Nguyễn cũng tham gia khai thác đất.
Khai thác đất sét tại Hố Lắm (xã Đại Đồng, Đại Lộc). Ảnh: T.H |
Theo quy định, UBND tỉnh chỉ đồng ý cho phép công ty khai thác đất san lấp, xây dựng công trình và thu hồi đất, cho thuê đất tại khu vực Nổng Định, thôn Nam Thành (xã Duy Trung, Duy Xuyên) với các điều kiện phải đúng phương pháp, quy trình kỹ thuật, tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất quy định, đồng thời thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhưng thực tế công ty này lại khai thác vượt diện tích cho phép. Công ty này lý giải nguyên do khai thác vượt diện tích là được sự đồng ý của UBND huyện Duy Xuyên để cung cấp đất san nền cho dự án Khu đô thị phố chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên) do Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 (thuộc Cienco 5) làm chủ đầu tư.
Một vụ việc khác gần đây nhất là vào thời điểm cuối tháng 8.2016, người dân đã tụ tập đông người bao vây vị trí khai thác cát dọc sông Vu Gia (đoạn qua xã Đại Đồng, Đại Lộc) nhằm phản đối, không cho đơn vị thi công. Người dân cho rằng quá trình tận thu đất gây mất đất sản xuất, hoa màu. Được biết, năm 2007, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Phước Lộc khai thác nhưng năm 2009, đơn vị này chuyển nhượng quyền khai thác cho Công ty Hồng Ân. Tuy nhiên, hơn 3 năm liền, Công ty Hồng Ân không tiến hành khai thác. Tháng 9.2014, Công ty Hồng Ân tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Kim Phú (xã Đại Đồng, Đại Lộc). Trong khi việc chuyển nhượng này chưa được duyệt hồ sơ thì Công ty Kim Phú đưa máy móc, thiết bị vào khai thác rầm rộ nên người dân phản đối.
Trên đây chỉ là 3 trường hợp điển hình nhất về việc “đánh cắp” nguồn nguyên liệu đất cát, đất san lấp mặt bằng do việc giám sát, quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hàng chục doanh nghiệp tận thu đất sét làm nguồn nguyên liệu khoáng sản nhưng số mỏ hoạt động “danh chính ngôn thuận” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Phương Nam - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng, đóng chân tại huyện Đại Lộc tiết lộ, thực tế ở địa bàn, một số doanh nghiệp đã lợi dụng dự án cải tạo đồng ruộng bán đất cho doanh nghiệp khác. Có doanh nghiệp còn đem đất bán ra ngoài, không làm đúng mục đích sử dụng. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn thừa nhận, một số loại khoáng sản Nhà nước không quản lý hết được, cũng không có điều kiện kiểm tra, kiểm soát được sản lượng thực khai thác.
Tăng cường giám sát
Không khoán thuế mà khoán trữ lượng Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn, sẽ ra đời cơ chế giám sát chặt chẽ sau khi đã cấp phép. Có tình trạng nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép thì quá trình sản xuất kinh doanh không mang lại nguồn thu lớn nên đơn vị tham mưu tỉnh chủ trương không gia hạn cấp phép cho những đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Sở cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh là có cơ chế đưa thuế phí theo trữ lượng và đấu thầu mỏ, không phải là khoán thuế mà khoán trữ lượng, để chống thất thoát. |
Đây là thời điểm các doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo để gấp rút hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp mỏ theo hạn định của UBND tỉnh đến ngày 1.1.2017 sẽ cấm các nhà máy sử dụng nguyên liệu khoáng sản thông thường hoạt động nếu không có giấy phép mỏ nguyên liệu. Đồng thời cũng là thời điểm các doanh nghiệp tranh thủ mở rộng địa bàn tìm kiếm nguồn nguyên liệu đất sét. Vì vậy, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng liên ngành truy quét, đẩy đuổi quyết liệt và chính quyền các huyện đã chốt giữ tại các “điểm nóng”. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn cho rằng, tình trạng khai thác khoáng sản còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương và tạo dư luận không tốt. Các đơn vị có giấy phép, sản lượng khoáng sản thực tế khai thác chưa kiểm soát được, nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài, không nộp thuế. Một số địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho đối tượng khai thác trái phép, dẫn đến thất thoát tài nguyên, mất rừng, mất đất sản xuất, môi trường bị hủy hoại, thất thu ngân sách.
Để siết chặt tài nguyên, UBND tỉnh tiếp tục đưa nhiều giải pháp, nhiệm vụ cấp bách tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đảm bảo nguồn thu. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trước mắt từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ hạn chế việc cấp phép mới khai thác khoáng sản và không tiếp nhận hồ sơ khi chưa có kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp gia hạn chỉ được xem xét giải quyết khi đơn vị đã chấp hành đúng trách nhiệm, nghĩa vụ. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung toàn lực cho công tác rà soát, kiểm tra để phục vụ cho việc lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khoáng sản. Riêng với Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động vì hết phép.
TRẦN HỮU