“Quảng Nam đổi hơn 100ha đất lấy 1,9km đường” là thông tin xuất hiện khá nhiều trên một số báo, đài gần đây, khi phản ảnh về các dự án BT (dự án đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng) tại địa phương. Sự thật như thế nào?
Nhà phố ở khu đô thị Mỹ Gia (phường Điện Ngọc, Điện Bàn). Ảnh: H.P |
Quảng Nam chỉ có 4 dự án BT
Trên phạm vi cả nước, đến nay, chủ trương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (chủ yếu là giao thông) theo hình thức BT khá phổ biến. Nhu cầu đầu tư lớn, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, thì việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng là giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn và được pháp luật cho phép. Đổi lại, Nhà nước giao cho doanh nghiệp quỹ đất nhất định để họ đầu tư khai thác quỹ đất. Tiền sử dụng đất thu được từ các dự án khai thác quỹ đất, sẽ được bù trừ vào dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng do doanh nghiệp tự bỏ vốn xây dựng ban đầu. Đó là hình thức đầu tư BT.
“Không có doanh nghiệp, rất khó tạo đột phá” “Trong khi nguồn lực của Nhà nước còn rất hạn hẹp, nếu không có doanh nghiệp tham gia đầu tư thì không biết bao giờ hạ tầng đô thị mới tạo đột phá. Chẳng hạn như dự án tuyến đường nối tuyến ĐT603A với tuyến ĐT607 thị xã Điện Bàn do Công ty CP Bách Đạt An làm nhà đầu tư, Nhà nước không chỉ có 1,9km đường mà còn được hưởng lợi cả kết cấu hạ tầng mà doanh nghiệp đã đầu tư dự án phát triển đô thị, khai thác quỹ đất”. (Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư) |
Tuy nhiên, tại Quảng Nam, hiện các dự án BT không nhiều. Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, đến nay tỉnh mới chấp thuận cho 4 dự án BT, gồm: Dự án tuyến đường nối tuyến ĐT603A với tuyến ĐT607 thị xã Điện Bàn, lý trình Km2+487,7 - Km4+378,85 do Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt (nay là Công ty CP Bách Đạt An) làm nhà đầu tư; Dự án đường trục chính đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (ĐT603 nối dài), lý trình Km2+280 - Km2+926 do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng Quảng Nam) làm nhà đầu tư; Dự án Nghĩa trang nhân dân Tam Anh Nam (Núi Thành) do Công ty TNHH Xây dựng Chu Lai làm nhà đầu tư và Dự án cầu Đế Võng trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại do Công ty CP Đạt Phương làm nhà đầu tư.
Qua kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án, Sở Kế hoạch và đầu tư khẳng định, quá trình đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án, ký kết hợp đồng, giao đất cho các chủ đầu tư hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Đổi đất như thế nào?
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư nêu rõ, Quảng Nam thực hiện thanh toán dự án BT bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị thanh toán quỹ đất. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án BT thì Nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền hoặc quỹ đất khác theo quy định. “Một số báo chí nói rằng, Quảng Nam đổi hơn 100ha đất lấy 1,9km đường là cách hiểu sai lệch về BT. Hoàn toàn không có chuyện như thế”- ông Đặng Phong khẳng định.
Khu đô thị Mỹ Gia tại phường Điện Ngọc. Ảnh: H.P |
Dẫn ví dụ về trường hợp dự án BT của Công ty CP Bách Đạt An, ông Phong cung cấp thông tin: Công ty được UBND tỉnh ký kết hợp đồng đầu tư dự án đường nối ĐT603A với tuyến ĐT607, thị xã Điện Bàn, dài gần 1,9km. Hợp đồng BT được ký ngày 26.2.2016 với thời gian thực hiện là 730 ngày (hiện được gia hạn thêm 120 ngày). Tuyến đường có mặt cắt ngang 20m, giá trị hợp đồng gần 63,4 tỷ đồng. Quỹ đất dự kiến giao cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án khai thác quỹ đất lấy vốn thanh toán cho dự án BT khoảng 105ha, với 6 khu đất ở các vị trí khác nhau. Đến nay, UBND tỉnh mới giao cho Công ty CP Bách Đạt An 3 khu đất có tổng diện tích 47,45ha. Trong tổng diện tích 47,45ha này, nhà đầu tư chỉ khai thác quỹ đất được 26,72ha; số còn lại là diện tích đất dành cho giao thông, cây xanh, công trình công cộng không thể thu tiền sử dụng đất. Và với việc khai thác 3 khu đất được giao, nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước là 50,49 tỷ đồng. Như vậy, so với hợp đồng BT 63,4 tỷ đồng nêu trên, Nhà nước phải tiếp tục thanh toán cho Công ty CP Bách Đạt An 18,9 tỷ đồng bằng quỹ đất khác có giá trị tương ứng.
Ông Phong cũng cho biết thêm, riêng kinh phí để xây dựng hạ tầng đô thị, nhà đầu tư phải bỏ ra hơn 330 tỷ đồng để thực hiện tại 3 khu đất nêu trên rồi bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Như vậy, cộng với 63,4 tỷ đồng để xây dựng công trình 1,9km đường theo hình thức BT, tổng số tiền mà nhà đầu tư đã và sẽ thực hiện để phát triển kết cấu hạ tầng là khoảng 400 tỷ đồng.
“Tại thời điểm nhà đầu tư đề xuất dự án vào cuối năm 2014 và UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 9.2015, giá đất trên thị trường giảm theo xu hướng chung của cả nước nên việc cân đối quỹ đất với diện tích nêu trên để giao cho nhà đầu tư là hợp lý. Gần đây, giá đất trên thị trường có biến động tăng, chắc chắn, quỹ đất cân đối cho một số dự án BT như ban đầu sẽ thừa. Vì vậy, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan liên quan rà soát, xác định lại giá đất hiện hành đối với các khu đất còn lại đã thỏa thuận giao cho các nhà đầu tư thực hiện để tạo vốn thanh toán các dự án BT. Trường hợp giá trị quỹ đất để thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT, tỉnh sẽ xử lý phần chênh lệch theo hướng giảm diện tích đất giao cho nhà đầu tư” – ông Phong khẳng định.
HỮU PHÚC