Thôn An Mỹ 2, xã Tam An (Phú Ninh) được nối với các thôn Trung Định, Xuân Trung (xã Tam Đàn), có chợ Quán Rường nổi tiếng, có Trường THPT Trần Văn Dư.
Dấu tích chiếc cầu năm xưa. Ảnh: T.N |
Nối liền các thôn này lên trung tâm huyện Phú Ninh và đi về hướng chợ Cây Sanh (Tam Dân) là con đường huyết mạch rộng khoảng 4m, có từ thời Pháp thuộc. Trên con đường này có cây cầu Sáo bắc qua suối La Gà, được xây dựng cách đây gần một trăm năm đã bị chiến tranh tàn phá. Sau ngày quê hương giải phóng, người dân đã dùng những thanh sắt đường ray xe lửa gác qua, làm cầu để đi. Thiên tai lũ lụt làm xói lở hai đầu cầu, khiến chiếc cầu đã nhiều lần bị sụp, người dân làm đi làm lại nhưng vẫn là cây cầu tạm bợ.
Hơn 20 năm nay, người dân đi chợ Quán Rường muốn qua lại trên tuyến đường này đành phải lội suối. Mùa nắng suối cạn thì không sao, nhưng mùa mưa nước lớn thì vô cùng nguy hiểm, không ít người suýt mất mạng. Khoảng 9 giờ sáng 29.8.2018, ông Phạm Trung Tương (65 tuổi, ngụ thôn An Mỹ 2) đạp xe sang nhà em gái mời đám giỗ, đến bờ suối cầu Sáo, ông bỏ xe đạp trước ngõ nhà anh Phạm Tuyên rồi cởi áo vắt vai, lội suối. Ông Tương tuy biết bơi nhưng vì nước chảy mạnh đã cuốn ông theo dòng nước xiết. Sáng hôm sau, người nhà và bà con chòm xóm tổ chức đi tìm đến gần trưa mới vớt được xác ông tại khu vực cầu Cống Lở, thôn An Hòa, cách cầu Sáo hơn 2 cây số. Dự đám tang ông, trong niềm đau ngậm ngùi thương xót, nhiều người bảo, giá như có cây cầu Sáo thì đâu đến nổi ông Tương phải chết oan uổng như vậy.
Cũng trên dòng suối La Gà, ở khu vực bến Cây Sanh, cách cầu Sáo chừng 3 cây số, bức xúc vì không có cầu, người dân lội suối nguy hiểm tính mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Ký (thường gọi là mẹ Tần) xin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một cây cầu hôm ông đến thăm mẹ vào 26.6.2011. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hứa 2 tháng sau sẽ làm cầu theo tâm nguyện của mẹ. Ngay sau đó, chiếc cầu bến Cây Sanh đã được xây dựng, khi hoàn thành đã tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại thuận lợi. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Khắc Nhiên - Trưởng thôn An Mỹ 2 cho biết: “Đã bao lần thôn kiến nghị xã, xã kiến nghị huyện nhưng chẳng thấy làm cầu mới cho dân đi lại”. Ông Nguyễn Ngọc Tịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tam An khẳng định: “Tại kỳ họp thứ 6 HĐND huyện Phú Ninh vào tháng 9.2017, với tư cách Chủ tịch HĐND xã, tôi đã nêu kiến nghị, đồng thời gửi kèm văn bản kiến nghị HĐND huyện xem xét xây dựng cầu phục vụ dân sinh. Vấn đề này đã được lãnh đạo UBND huyện trả lời: “Xã Tam An đã có các tuyến huyện lộ (ĐH 10, ĐH 7), trong khi ngân sách huyện khó khăn, để ưu tiên cho những tuyến đường bức xúc khác”.
Khi tôi chụp hình dấu tích chiếc cầu, ông Võ Cư - đang tỉa đậu gần đó cho biết: “Cách đây 7 - 8 năm, thấy có người đo đo vẽ vẽ rồi sau đó không thấy tiến hành làm cầu đường gì cả”. Nếu cầu Sáo được làm thì chợ Quán Rường sẽ đông đúc hơn, người dân qua lại trên tuyến đường huyết mạch này cũng như học sinh Trường THPT Trần Văn Dư đến trường sẽ thuận lợi hơn, nhất là tránh được những cái chết thảm vì lội suối.
THANH NGHỊ