(Xuân Đinh Dậu) - Vùng đông nam tỉnh Quảng Nam, phía dưới quốc lộ 1, từ Chu Lai đến Cửa Đại, có bờ biển dài và đẹp, một số đảo gần bờ, có nhiều sông hồ và núi đồi, còn nhiều mặt bằng rộng và hoang sơ, đủ lợi thế và điều kiện để phát triển thành một chuỗi đô thị sinh thái, xinh đẹp và thân thiện môi trường, cùng với Hội An tạo thành một trung tâm du lịch - dịch vụ lớn và hiện đại.
Đây không phải là một đô thị với phố xá, nhà cửa đông đúc theo kiểu lâu nay ta vẫn thấy, vẫn thường nghĩ. Mà nên là, phải là một đô thị kiểu khác, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa phố và làng. Kết hợp các ưu điểm của phố về sự văn minh của tiện ích và dịch vụ với các ưu điểm của làng quê về không gian sống để hình thành chuỗi đô thị kiểu mới. Tất cả đều phải được cân nhắc một cách khoa học. Đấy là công việc của nhà quản trị tài ba cộng với các nhà khoa học và người nghệ sĩ.
Phát triển chuỗi đô thị của Quảng Nam cần hài hòa với không gian xanh. Ảnh: LÊ MINH TRÍ |
Đừng phá vỡ không gian
Chuỗi đô thị ấy, không nhất thiết phải phố xá san sát và nối tiếp nhau liên tục. Có thể nơi này là phố, tiếp theo là làng quê, cánh đồng, rừng cây, và tiếp theo nữa sẽ là phố. Thỉnh thoảng có thể có một vài cụm nhà cao tầng tạo điểm nhấn về kiến trúc, nhưng nói chung là không khuyến khích cao tầng, mà chủ yếu là tầng thấp và tầng vừa. Nhà cao tầng chỗ này mà không phải chỗ kia là do một ý đồ kiến trúc rõ ràng, chứ không phải là sự tùy hứng, bị động như ta vẫn thấy ở nhiều nơi.
Muốn tránh tình trạng ấy phải có quy hoạch tốt về không gian ba chiều. Khi thực hiện quy hoạch, chú ý không để xảy ra tình trạng tùy tiện, bị động với ý kiến từ các bên, với nhiều động cơ khác nhau hoặc đặt vào tình thế đã rồi. Các thành phố lớn của Việt Nam và kể cả thế giới, rất nhiều trường hợp không tránh khỏi nạn kẹt xe, gây nhiều phiền phức, lãng phí lớn và làm ô nhiễm môi trường. Khi quy hoạch hệ thống giao thông đô thị và các khu dân cư, chung cư cần hết sức quan tâm vấn đề này. Phân biệt rõ giữa đường và phố. Tính toán khoa học ở đâu là ngã ba, tư, năm hay sáu. Các con đường giao nhau ở đâu là đồng mức, ở đâu là khác mức. Có thông tin cho rằng, phần lớn các trường hợp tắc đường thường xảy ra ở các ngã tư đồng mức. Có đúng vậy không? Cần thu thập các kết quả nghiên cứu về vấn đề này để tính toán trong quy hoạch đô thị.
Không làm hẹp không gian của các dòng sông và hồ nước, ngược lại, nơi nào có điều kiện thì có thể mở rộng hoặc tạo thêm. Phải bảo đảm nghiêm ngặt kỹ thuật khi nạo vét lòng sông. Không vì mục tiêu bán cát lấy tiền mà gây nên sạt lở các triền sông vì sự tùy tiện và thiếu hiểu biết khi lấy cát. Biển và sông hồ là của cộng đồng, không riêng của dự án nào. Trước đây, có lúc ta giao cho mỗi dự án quản lý riêng một đoạn bờ biển. Đó là khi chưa có kinh nghiệm, nay không nên như thế nữa. Những con đường du lịch không nhất thiết phải thẳng tắp và bằng phẳng. Nhiều khi do địa hình, có những con đường quanh co, uốn lượn, nhấp nhô, đầu tư tài chính ít hơn nhưng lại đẹp và ấn tượng hơn. Những quả đồi nằm trong khu vực này và kể cả ở phía tây gần đó cần được bảo tồn và tôn tạo, không nên san ủi cho bằng phẳng như không có nó. Các khu vực đang trồng lúa và hoa màu nói chung nên giữ nguyên để có không gian thông thoáng, có diện tích dự phòng và trước mắt là ổn định đời sống của cư dân địa phương trong khi bà con chưa có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp. Các làng có đông cư dân và các làng đẹp nên giữ nguyên và tôn tạo dần theo hướng kết hợp phục vụ du lịch.
Phía nam của tỉnh cần có một vài sân golf là nhu cầu khách quan trong tương lai. Nhưng không nên dự định làm sân golf trong các trung tâm của chuỗi đô thị này, vì phải tiết kiệm không gian và cũng có cả vấn đề môi trường nữa. Hầu như các thành phố trong nước, và kể cả nước ngoài, không bố trí sân golf giữa đô thị. Hầu hết là ở khu vực ven đô. Thậm chí còn đi xa hơn một ít nữa. Đi chơi golf cũng là đi dã ngoại. Quảng Nam có thể tìm vài địa điểm ở phía tây quốc lộ 1 hiện nay, không đi xa lắm, từ Duy Xuyên vào đến Núi Thành, không ảnh hưởng đất canh tác của cư dân để quy hoạch sân golf, và phải kiểm soát nghiêm việc xử lý môi trường.
Quy hoạch cẩn trọng
Theo tôi cần khẩn trương thực hiện ngay công tác quy hoạch, để nhanh chóng phủ kín lưới quy hoạch 1/2000. Hiện nay, về cơ bản Quảng Nam chưa có bản quy hoạch ấy. Không nên để tình trạng này kéo dài, trong khi ta vẫn cho phép các dự án đầu tư triển khai các bước mà đáng lý ra nó phải đi sau quy hoạch 1/2000.
Nâng giá đất ở mặt tiền biển Cần yêu cầu các nhà đầu tư muốn vào khu vực mặt tiền biển thì phải có trách nhiệm tham gia phát triển hạ tầng đô thị. Ai có xây dựng hạ tầng thì mới được ưu tiên nhận phần đất ở mặt tiền biển. Giá đất mặt tiền (sau khi đã giải tỏa trắng hoặc đã xây dựng hạ tầng) cũng phải được nâng cao hơn so với hiện nay, để lấy đó mà cân đối chi phí cho đầu tư hạ tầng. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư thứ cấp đăng ký trùng địa điểm thì nên tổ chức đấu giá để thu thêm tiền đất. Trước đây ta hạ giá đất xuống để khuyến khích đầu tư vào bờ biển. Nay đã đến lúc cần nâng giá đất ở mặt tiền biển lên để có tiền cân đối xây dựng hạ tầng đô thị. Đừng lo không có nhà đầu tư vào Quảng Nam nếu làm cách ấy. Có thể trước mắt sẽ mất đi một số nhà đầu tư nào đó. Nhưng không phải lo. Mất cái này sẽ được cái khác lớn hơn, chiến lược hơn. Cần khắc phục tâm lý nóng vội, bệnh thành tích, cách nhìn ngắn hạn và tư duy nhiệm kỳ. Khuyến khích lối tư duy khoa học, lâu dài, căn bản, biết tính việc lớn với tầm nhìn xa. |
Muốn làm được một bản quy hoạch tốt, có chất lượng cao thì ngân sách cũng phải tốn kém không ít, vì tiền nào của ấy. Nhà nước nên ưu tiên cho công việc này. Đây là việc đầu tư có hiệu quả cao, tiết kiệm rất nhiều cho tương lai, nếu làm tốt. Trong trường hợp nhà nước chưa đủ ngân sách để thực hiện quy hoạch ấy thì khẩn trương giao cho nhà đầu tư chiến lược để họ ứng tiền ra đầu tư quy hoạch 1/2000. Giao cả một khu vực lớn tốt hơn là nhiều khu nhỏ, vì có cái nhìn tổng thể và xử lý các khớp nối thuận lợi hơn. Sau đó, nhà đầu tư chiến lược có thể thu hồi vốn quy hoạch khi có nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện dự án. Trường hợp nhà đầu tư chiến lược trực tiếp đầu tư sau quy hoạch thì chi phí quy hoạch sẽ được cộng vào trong tổng số chi phí đầu tư cho dự án và sẽ thu hồi thông qua giá trị sản phẩm hoặc giá trị của phần đất được hoàn trả.
Không gian mặt tiền biển có giới hạn là lợi thế rất quý giá. Phải biết dùng lợi thế ấy để đầu tư cho hạ tầng phía bên trong, sau lưng mặt tiền biển, từ đường số một ra. Lợi thế của mặt tiền biển cần được dùng để thực hiện hai yêu cầu: xây dựng hạ tầng đô thị phía bên trong và phát triển du lịch bờ biển. Trong hai yêu cầu đó, yêu cầu xây dựng hạ tầng đô thị phía bên trong quan trọng hơn. Nếu cách làm không tốt, để mặt tiền bị chiếm giữ, thì đến khi mặt tiền biển đã hết mà việc xây dựng hạ tầng bên trong vẫn chưa thực hiện được. Không nên để bất kỳ nhà đầu tư nào tìm cách… quan hệ nhằm chiếm giữ mặt tiền biển mà không quan tâm việc tham gia xây dựng hạ tầng đô thị phía bên trong. Nếu để xảy ra tình trạng ấy thì thất bại.
Ở nước ta lâu nay, khi đô thị phát triển đến đâu thì làng quê ở đó bị xóa bỏ, mang cái lạ từ nơi khác đến, đồng thời để lại nhiều hậu quả về xã hội, tạo ra các mâu thuẫn mới. Vấn đề xã hội này thường bị lãng quên, rất ít khi được quan tâm giải quyết. Đây là việc quan trọng, cần phải nhìn thấy trước. Đồng thời với quá trình quy hoạch và xây dựng một đô thị, cần có kế hoạch khảo sát, nghiên cứu các giải pháp và chính sách xã hội đối với cộng đồng dân cư trong vùng dự án, nhằm giảm thiểu tối đa các hậu quả để lại và tạo điều kiện để cải thiện cuộc sống của nhân dân.
Tôi biết lãnh đạo Quảng Nam đang có một số tính toán chiến lược cho sự phát triển của tỉnh nhà, tôi cảm thấy phấn khởi và tin rằng Quảng Nam sẽ thành công. Nhân đây, xin được góp đôi điều như vậy, về sự phát triển của vùng đông Quảng Nam và về một cách làm.
VŨ NGỌC HOÀNG