Chiều 13.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị để bàn giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Theo Sở Nội vụ, PAR INDEX 2017 (8 chỉ số thành phần) của Quảng Nam đạt 73,27 điểm. Số điểm này đã giảm 0,39 điểm, tụt 20 bậc so với năm 2016, xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố cả nước, xếp 7/12 tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Chỉ số PAPI (6 nội dung) xếp vị trí thứ 27 (đạt 37,08 điểm, tăng 1,89 điểm so với năm 2016) trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. So với kết quả năm 2016, Quảng Nam tăng 3 bậc (năm 2016 đạt 35,99 điểm, đứng thứ 30), trong nhóm tỉnh đạt điểm trung bình cao. Thống kê PAR INDEX chỉ có 3 tiêu chí thành phần đạt hơn 80%, có nhiều chỉ số thấp hơn tỷ lệ giá trị trung bình của cả nước, nhất là chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức thấp đến hơn 15% so với giá trị trung bình cả nước. Lý do mất điểm PAR INDEX chủ yếu là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thấp, công bố nhiều nhưng thực hiện không được bao nhiêu, cải cách bộ máy bị đánh giá thấp bởi các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, các phòng thuộc cơ quan chuyên môn chưa bảo đảm cơ cấu, số lượng lãnh đạo... Trong khi đó, thống kê PAPI cho thấy 5/6 chỉ số nội dung tăng điểm so với năm 2016, nhưng chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân lại bị giảm điểm. Có 2/6 chỉ số (tham gia người dân cấp cơ sở và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công) thuộc nhóm đạt điểm cao, 3/6 chỉ số (công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân và cung ứng dịch vụ công) thuộc nhóm đạt điểm trung bình và 1 chỉ số thủ tục hành chính công thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các sở chịu trách nhiệm các bộ chỉ số cần phải đi sâu phân tích những chỉ số thành phần thấp điểm, tham mưu, không chỉ mãi rút kinh nghiệm mà cần tìm ra giải pháp cụ thể để nâng cao điểm số và thứ hạng, nhất là PAR INDEX. Việc đánh giá năng lực cải cách hành chính các ngành, địa phương cần phải tham khảo ý kiến từ các sở, ngành; phải minh bạch, khách quan, công tâm… Các sở, ngành cần rà soát lại lượng thủ tục hành chính; xây dựng kế hoạch cải cách hành chính phải phù hợp với thực tế; phối hợp với Sở Nội vụ (chủ trì, đầu mối) đánh giá năng lực cải cách hành chính hàng năm, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị liên quan nâng chất lượng cải cách hành chính, năng lực cán bộ...
T.D