Cần quy định cụ thể thời hạn giao đất cho nhân dân

XUÂN NGHĨA (ghi) 13/03/2013 09:04

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh - Đinh Xuân Thảo, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn nhiều điều cần sửa đổi cho phù hợp thực tế.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.Ảnh: XUÂN NGHĨA
Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.Ảnh: XUÂN NGHĨA

Theo ông Đinh Xuân Thảo, về Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần giữ lại và phải được bảo vệ. Bởi, từ khi ra đời, với Cương lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự đã hòa mình vào dân tộc, Đảng sinh ra từ lòng dân tộc, hoạt động quang minh chính đại. Do vậy, việc xác lập vị thế của Đảng trong Hiến pháp là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Thảo, cách viết trong Hiến pháp thì không nên thể hiện như Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 2 của Hiến pháp cho thấy nền tảng và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…, trong khi đó ở Điều 4 của Hiến pháp trích dẫn gần như nguyên Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. “Ngôn ngữ của Hiến pháp phải khác ngôn ngữ Điều lệ Đảng. Hiến pháp thì ngôn ngữ đại diện phải lớn hơn. Do đó, chỉ cần ghi “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam” là đã bao trùm tất cả ý nghĩa” - ông Thảo nói.

Không cần thiết thành lập Tòa án Hiến pháp

Chung quanh một số ý kiến góp ý cho rằng “cần có một Tòa án Hiến pháp”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh - Đinh Xuân Thảo không đồng tình. Ông Thảo bày tỏ quan điểm: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước về mặt chính trị, đất nước ta là một đất nước đơn nhất không có liên bang, không có chia cắt. Nước ta không nên đi theo các cơ chế quyền lực ở những quốc gia có nhiều đảng phái. Ở các nước khác, người ta sử dụng Hội đồng Hiến pháp, Tòa án Hiến pháp để bảo vệ quyền lực, khống chế quyền lực hoặc đấu tranh giành quyền lực. Còn ở Việt Nam, quyền lực lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam; các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được phân công cụ thể và có khế ước lẫn nhau nên không cần thiết phải thành lập Tòa án Hiến pháp. (X.N)

Về quy định các quyền và nghĩa vụ công dân, ở Điều 50 ghi “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế” theo ông Thảo là không phù hợp và nên sửa lại thành “Mọi người phải nộp thuế theo quy định của pháp luật”. Ông Thảo lý giải: “Nam phụ lão ấu, đứa bé mới sinh ra cũng đã là con người theo Luật Quốc tịch. Khi người ta qua đời, khai tử vẫn là con người, vậy thì không thể “mọi người có nghĩa vụ nộp thuế” được”.

Tại Điều 58 đề cập đến vấn đề sử dụng và thu hồi đất đai, ông Thảo cho rằng đây là vấn đề cốt lõi của cách mạng Việt Nam. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân đứng lên làm cuộc cách mạng bởi khẩu hiệu “Chính quyền về tay nhân dân, ruộng đất về tay dân cày”. Ông Thảo nói: “Đến nay, gần 80% dân số Việt Nam vẫn là nông dân. Tôi thống nhất rằng đất đai là tiềm lực kinh tế quan trọng và đặc biệt của một nhà nước, một quốc gia, nhưng nếu để một sở hữu chung chung như vậy là chưa ổn. Hoặc giao quyền sử dụng đất lâu dài, hoặc có thời hạn ổn định, vậy cần được cụ thể hóa. Nên có thời hạn tổi thiểu là 50 năm giao đất cho công dân, tối đa là 90 năm”. Bởi theo ông Thảo, thời hạn 50 năm để đủ người ta xây dựng, củng cố, lớn mạnh cho một thế hệ; 90 năm cho một công việc lâu dài. “Nhà nước nên chỉ thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Trong công cuộc đổi mới năm 1986, từ đồng ruộng ấy, mảnh đất ấy, Nhà nước ta giao cho nông dân quyền sử dụng thì bộ mặt được thay đổi. Từ một nước đi xin, đi vay, đi mượn từng hạt lúa mì, đất nước ta đã trở thành một quốc gia có tiềm năng xuất khẩu lúa gạo lớn bật nhất thế giới. Từ những thực tiễn đó, thiết nghĩ cần đưa vào Điều 58 của Hiến pháp một thời hạn giao đất cố định để làm yên lòng dân” - ông Đinh Xuân Thảo góp ý.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về góp ý sửa đổi Hiến pháp

Tỉnh ủy vừa có công văn yêu cầu các Tỉnh ủy viên, các ban đảng Tỉnh ủy, huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tiếp tục thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường chỉ đạo, kịp thời uốn nắn những lệch lạc; ngăn chặn, xử lý những việc làm sai trái, lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông, Sở VH-TT&DL, Báo Quảng Nam, Đài PT-TH Quảng Nam đẩy mạnh việc tuyên truyền, thông tin về nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và những ý kiến đóng góp của nhân dân; tạo chuyển biến mạnh hơn nữa về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục hướng dẫn các tầng lớp nhân dân, thành viên, hội viên của mình góp ý bám sát vào những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở GDĐT làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến góp ý của thanh niên, sinh viên, học sinh...

* Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ký ban hành Công thư khẩn đề nghị các cấp ủy đảng, các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, yêu cầu các địa phương trong tháng 3 này in, gửi bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo bản thuyết minh và phiếu xin ý kiến đến từng hộ để từng người dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến. Kể từ sau ngày 31.3 cho đến 30.9 (trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội thông qua), nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.(L.V)

XUÂN NGHĨA (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần quy định cụ thể thời hạn giao đất cho nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO