Cần sự chung tay vì bình đẳng giới

DUY UYÊN 28/06/2013 10:51

Câu chuyện gia đình chị Phan Thị H. ở thôn 3, xã Tiên Thọ (Tiên Phước) đã khiến nhiều người đau lòng. Chỉ vì cha mẹ chồng muốn có cháu trai mà vợ chồng chị H. đã lần lượt sinh 4 đứa con trong sự đói nghèo. Và cũng chỉ vì sinh con một bề là gái nên phía bên nhà chồng không nhận chị là con dâu và cũng không ngó ngàng đến cháu nội. Trong một vụ tai nạn giao thông, chồng chị H. qua đời, để lại cho chị 4 đứa con thơ dại. Bị mắc bệnh tim, không lao động nặng được, nhưng chị không nỡ dứt ruột gửi con vào trại trẻ mồ côi theo lời khuyên của cha mẹ chồng. Chị tâm sự: “Từ hồi sinh mấy đứa nhỏ đến chừ, ông bà nội không ngó ngàng chi tới, ngay cả đầy tháng, thôi nôi cho cháu ông bà cũng không dự”.

Hồ Thị Hiếu học chưa xong bậc THCS đã làm mẹ ở tuổi 16. Ảnh: LY LAN
Hồ Thị Hiếu học chưa xong bậc THCS đã làm mẹ ở tuổi 16. Ảnh: LY LAN

Thực tế cho thấy, những định kiến giới hiện vẫn còn ăn sâu trong quan niệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi. Đời sống khó khăn, với nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số, khi con đường học vấn còn dang dở thì họ bắt đầu cuộc sống làm mẹ, làm vợ vì nạn tảo hôn… Trường hợp của Hồ Thị Hiếu ở thôn 5, xã Phước Hòa (Phước Sơn) là một ví dụ. Học chưa hết bậc THCS, Hiếu đành phải gác chuyện đèn sách để theo chồng, và ở tuổi 16 Hiếu đã làm mẹ. Một cán bộ phụ nữ của xã Phước Hòa cho biết, ở đây đa số các em nữ học đến lớp 9 thì ở nhà. Do không có công ăn việc làm nên nhiều em lấy chồng sớm. Cạnh đó, các trường hợp đẻ dày, đẻ nhiều ở các địa phương miền núi cũng không ít. Điều này khiến người phụ nữ không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn sinh con đẻ cái và đảm đương công việc nội trợ... Chị Hồ Thị Chơm, sinh năm 1969, ở thôn 5, xã sông Trà (Hiệp Đức) là mẹ của 7 đứa con. Không những không được chia sẻ  trong việc chăm sóc con cái, giặt giũ, nấu ăn, chị còn phải làm cả những công việc nặng nhọc như cuốc ruộng, bửa củi… Thế nhưng, cũng như nhiều phụ nữ và giới mày râu, ngay chị Chơm vẫn xem sự gánh vác trên là lẽ đương nhiên. Có thể nói, ở nơi này nơi kia, vấn đề bất bình đẳng giới đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Bạo lực gia đình, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”… vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ ở miền núi còn hạn chế trong nhận thức; đồng thời việc thiếu thông tin, kiến thức và hiểu biết về bình đẳng giới trong cộng đồng đã gây áp lực cho phụ nữ.

Từ năm 2011, cùng với nỗ lực của các cấp các ngành trong việc đưa quyền bình đẳng thật sự đến với phụ nữ, tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha Paz Y Desarrollo đã phối hợp với UBND tỉnh thực hiện chương trình “Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới ở Campuchia, Đông Ti-mo và Việt Nam” tại Quảng Nam, do cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha viện trợ. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2011 - 2014) tại 10 xã thuộc 3 huyện Duy Xuyên, Hiệp Đức và Phước Sơn. Các hoạt động được hỗ trợ là phát triển các ngành nghề truyền thống như dệt chiếu và các sản phẩm từ chuỗi giá trị cói, mây tre đan, may công nghiệp, tin học; chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật; tư vấn kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho nữ giới; liên kết kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm chuỗi giá trị; cung cấp, hỗ trợ thông tin về thị trường, tổ chức sự kiện về sản phẩm…

Qua 2 năm triển khai, bước đầu dự án đã mang lại những kết quả khả quan. Thông qua các lớp đào tạo nghề phù hợp và được hỗ trợ vốn vay, phụ nữ các vùng dự án có điều kiện tham gia vào lĩnh vực phát triển kinh tế và những quyết định quan trọng, cải thiện cuộc sống của chính họ và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng, bản thân phụ nữ cũng phải tự phấn đấu vươn lên, xóa bỏ tình trạng cam chịu để tự giải phóng mình, tự khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trên mọi lĩnh vực họat động, nhằm góp phần thực hiện thành công “Kế hoạch hành động về bình đẳng giới tỉnh Quảng Nam đến năm 2015”.

DUY UYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần sự chung tay vì bình đẳng giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO