Trận cuồng phong mang tên Molave (bão số 9) đã quét dữ dội qua miền Trung, gây thiệt hại khá nặng nề chưa thể đo đếm hết.
Một cuộc đại di tản hàng triệu người còn hơn chạy giặc, đi tránh bão qua rồi trở lại, người dân thấy nhiều ngôi nhà xưa, làng mạc đã tan hoang…
Một cuộc chạy đua nghẹt thở khác lại tiếp tục để chống lũ, chống sạt lở, khắc phục hư hỏng hạ tầng…
Bão chưa qua thì đã nghe sạt lở núi, vùi lấp hơn 60 người dân ở Nam Trà My và Phước Sơn…
Chưa bao giờ dân miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng lại khốn khổ, đau thương đến thế!
Hơn lúc nào hết, giờ đây cần biết bao tấm lòng thấu cảm và sẻ chia với đồng bào. Những kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể xã hội đã và đang triển khai thực thi, nhưng không gì có thể bù đắp nổi thiệt hại về người và tài sản quá lớn. Do vậy, hẳn rất cần sự chung tay của xã hội, của những nhà hảo tâm, những người con xa quê, kiều bào ở nước ngoài…
Nhận thấy rõ rằng tình tương thân tương ái, nghĩa nặng với đồng bào ruột thịt chính là một trong những cái neo vững bền cho người Việt đi qua bão dông cuộc đời. Từ cơn lũ lụt lớn vừa qua đã có hàng triệu tấm lòng giúp đỡ với hàng nghìn phương tiện cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ, nổi bật lên bao hành động nghĩa hiệp đáng trân quý như ở Bình Trị Thiên có hàng trăm ngư dân đưa thuyền từ biển lên sông, lên đồng cứu hộ. Và ngay trong cơn bão số 9, người ta lại thấy nhiều chiến sĩ bộ đội, dân quân, thanh niên tình nguyện… đã lặn lội đến các vùng xung yếu giúp di tản dân. Có những hình ảnh bế cõng các cụ già, khiêng băng ca chuyển người bệnh, bồng ẵm trẻ con, cứu cấp bà mẹ mang thai,… khiến cho ai cũng phải cảm thấu niềm thương. Đặc biệt rất nhiều gương sẻ chia với cộng đồng làm lòng ta rưng rưng xúc động khi sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, dành ngôi nhà kiên cố của mình làm nơi che chở cho bà con nghèo trú bão. Tất cả đã góp phần tạo nên một “sức chống chịu” cho những nơi, những hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Vùng đất Quảng kiên cường và giàu tình nghĩa từng đối mặt với các trận cuồng phong cùng bão lũ bằng sự cố kết cộng đồng như vậy.
Hiện tại, ở Quảng Nam nhiều nơi phải tiếp tục ra sức chống chọi thiên tai, khắc phục thiệt hại để đưa đời sống trở lại bình thường. Nhưng phía núi, tai ương quá lớn nên phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đồng thời hẳn rất cần những tấm lòng tương thân tương ái giúp đỡ. Làm sao mau chóng tìm kiếm được các nạn nhân trong các vụ sạt lở núi? Làm sao để cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào vốn đã nghèo càng khốn khổ hơn khi bị cô lập dài ngày? Làm sao để khắc phục những con đường, ngôi trường, làng mạc bị hư hại nghiêm trọng?... Bao câu hỏi đó như tiếng vọng của núi, da diết, riết ròng và thao thức khôn cùng.
Đã nghe nhiều cuộc điện hỏi tình hình, đã có chương trình thiện nguyện bắt đầu lên kế hoạch, đã có cuộc chạy tiếp sức của báo chí khi vừa phản ánh vừa kêu gọi cộng đồng giúp đỡ miền núi Quảng Nam, nhất là các địa phương có các vụ tang thương do lở núi như Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang… (Ngay khi nghe vụ sạt lở ở Trà My, có đoàn thiện nguyện muốn lên ngay để cứu trợ, dù rất quý tấm lòng mong mỏi ấy song người viết bài này khuyên hãy bình tĩnh để lực lượng quân đội và chính quyền thông đường, tìm kiếm nạn nhân, đừng quấn chân nhau gây nguy hiểm và rắc rối không đáng có).
Chuyện cần nói thêm là sự cố kết nhân tâm, đừng chia rẽ lòng người bằng những phán xét vô bằng, những tin tức thất thiệt, những phát ngôn “vạ miệng”, những câu chuyện không đâu của “anh hùng bàn phím”, mà hãy cùng chính quyền địa phương tìm cách giúp đỡ đồng bào một cách thiết thực, trước mắt và cả về lâu dài.