Hôm 1.9, kênh Truyền hình Quốc hội phát đi bản tin HĐND tỉnh Quảng Nam đang tích cực chuẩn bị các công việc cho một kỳ họp không giấy. Đây là nỗ lực hiện thực hóa đề xuất “tổ chức các kỳ họp sắp đến của HĐND tỉnh theo hình thức không giấy” trước đó.
Theo số liệu từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh có 60 đại biểu, HĐND cấp huyện có 583 đại biểu, cấp xã có 6.125 đại biểu. (Ở cả nước con số tương ứng là cấp tỉnh có gần 4.000 đại biểu, trên 25.000 đại biểu HĐND cấp huyện và gần 300.000 đại biểu HĐND cấp xã). Thử nhẩm tính, một cái máy tính bảng tàm tạm hiện tại là ở khung giá bình dân từ 3,5 - 14 triệu đồng. Nếu máy cấp cho chừng ấy đại biểu chỉ để sử dụng cho các kỳ họp này và không nằm trong “chuỗi giá trị sử dụng” nào nữa, thì tự mỗi người cũng có câu trả lời là lãng phí hay không. Tất nhiên, với xu hướng không thể khác của cái mà người ta gọi là thời đại 4.0 và hình thức nào cũng có hai mặt của nó. Tuy nhiên, có hai điều đáng quan tâm nhất là việc nâng cao hiệu quả các kỳ họp đến đâu và việc bảo mật, sử dụng thiết bị, công nghệ của các đại biểu như thế nào để tránh trường hợp làm lộ, lọt các thông tin mật cũng nên tính đến trước khi khởi động một kỳ họp không giấy.
Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính công trên ứng dụng Zalo trên nền tảng Internet, được xem là rất tiện dụng bởi điều này cho phép người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Hiện tại, ứng dụng Zalo đã có hơn 30 tỉnh, thành phố đưa vào sử dụng nhằm cải cách hành chính và tương tác với người dân, xây dựng mô hình thành phố thông minh, cung cấp cho người dân tính năng kiểm tra tình trạng hồ sơ…
Khi khắp nơi đã “ào ào” sử dụng, như một kiểu phong trào, thì mới đây nhất tại cuộc họp liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lên tiếng cảnh báo “các địa phương cần cân nhắc việc sử dụng các phần mềm trong cung cấp dịch vụ công, nhất là về vấn đề an ninh, an toàn thông tin” và Bộ “sẽ đánh giá lại các yếu tố an ninh, an toàn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua ứng dụng Zalo”.
Hồi giữa tháng 7, Thanh tra Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh từng có văn bản đề nghị các bên đăng ký và quản lý tên miền thu hồi hai tên miền của Zalo là Zalo.vn và Zalo.me của Công ty CP VNG với lý do Zalo đã hoạt động mạng xã hội chưa phép (theo bản tin của VnEconomy). Chưa bàn đến mức độ an toàn thông tin, vấn đề an ninh như cảnh báo của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; chỉ nói tính chính danh thôi, thì Zalo đã có chút gì lợn cợn. Mà không chính danh, sao định phận? Nhưng có lẽ, bản tin về tên miền Zalo này không mấy gây chú ý. (Quảng Nam cũng đang hợp tác với Công ty CP VNG trong việc thực hiện dịch vụ công của tỉnh với ứng dụng Zalo).
Cho nên lẽ ra, nếu trách nhiệm hơn, thì việc đánh giá mức độ an toàn kia phải được thực hiện trước khi các địa phương rầm rộ triển khai, nhất là ở thời điểm TP.Đà Nẵng tiên phong mở một “kỳ họp không giấy” từ hơn 2 năm trước.