Vừa dừng xe chờ đèn đỏ, một thanh niên ập tới nhét vào tay tôi tờ giấy chút xíu nhưng ghi dòng chữ rõ to “cần tiền gọi ngay” kèm số điện thoại. Tờ giấy này cũng na ná như những mảnh giấy đang dán chi chít trên nhiều cột điện. Dù không lạ với kiểu quảng cáo “đường sá” như thế này nhưng tôi vẫn giật mình, cảm giác như vừa được một người xa lạ nào đó vỗ vai, rủ rê vào cuộc vui chơi. Tôi còn giật mình khi nhớ ra, đây là thời điểm nhiều gia đình cần tiền để trang trải cho con cái trước năm học mới, có thể sẽ phải tìm đến những dịch vụ tín dụng như thế này.
Ngoài dịch vụ “bốc nóng” hoạt động lén lút thì loại dịch vụ tín dụng “dán cột điện” được xem là hình thức biến tướng của “tín dụng đen”. Dịch vụ này đang được quảng cáo rộng rãi và được nhiều người sử dụng. Một tiểu thương mà tôi quen biết tiết lộ rằng, nhiều người buôn thúng bán mủng ngoài chợ ngày ngày phải gánh gồng khoản nợ vay trả góp với lãi suất cao gấp hàng chục lần lãi ngân hàng, trả xong dứt ra nhưng rồi vẫn lại tìm đến vay tiếp. Buôn bán ngày càng khó, phải cạnh tranh gay gắt, vốn ít và chi phí cuộc sống nhiều thêm..., nên mỗi lần cần tiền là nhiều tiểu thương tìm đến dịch vụ “bốc nóng”. Có tiểu thương buôn bán ế ẩm, đau ốm, khoản nợ trả góp chồng lên, lãi mẹ đẻ lãi con phải cầm cố cả sổ đỏ. Cách đây mấy ngày, tôi còn được chứng kiến tình huống hai thanh niên đến nhà “hỏi thăm” một con nợ, gây náo động cả một góc quê. Con nợ này cũng là một thanh niên, vay tiền cá độ bóng đá nhưng dây dưa không trả.
Dịch vụ “cần tiền gọi ngay” thủ tục rất đơn giản, người vay chỉ cần có chứng minh thư và hộ khẩu là được. Mặt khác, khoản vay của loại dịch vụ này thường không nhiều, chỉ 10 đến 20 triệu đồng và thường trả theo ngày nên đánh đúng vào tâm lý của người cần tiền tiêu dùng. Cũng vì dễ dãi trong thủ tục và đưa ra lời mời gọi hấp dẫn nên đối tượng vay đang được mở rộng thêm. Đáng nói, nhiều thanh niên bây giờ dù không có việc làm ổn định hoặc chỉ làm công ăn lương nhưng vì thích thể hiện nên ưa sử dụng dịch vụ vay tiền trả góp. Những chiếc điện thoại hiện đại, những chiếc xe máy mới toanh nhiều khi không phải được mua từ số tiền tích cóp được mà là tiền vay, khiến chủ sở hữu nó phải gồng gánh nợ nần. Nhu cầu tiêu dùng của mỗi người đang tăng cao, nhưng không ít người đáp ứng nhu cầu đó bằng các khoản vay nặng lãi.
Theo phân tích của lực lượng chức năng, thực tế sự biến tướng của hoạt động “tín dụng đen” là rất tinh vi, trong khi hình phạt cho các hành vi liên quan chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, hình phạt cao nhất với tội cho vay nặng lãi là 3 năm tù và phạt tiền tới 5 lần số lợi nhuận đối với hành vi cho vay nặng lãi thu lợi bất chính lớn, có tính chất chuyên bóc lột. Nhưng xác định thế nào là thu lợi bất chính lớn và có tính chuyên bóc lột thì rất khó... Và cũng vì khó nên loại hình “tín dụng đen” vẫn cứ tồn tại một cách mù mờ.
C.B.L