Cảnh báo bệnh da liễu mùa hè

Anh Trâm 16/05/2013 08:41

Vào mùa hè, biên độ thời tiết chênh lệch lớn, nắng nóng kéo dài, khói bụi ô nhiễm… rất dễ gia tăng bệnh ngoài da.

Viêm da cơ địa

Viêm da do cơ địa bùng phát nhiều nhất vào mùa hè. Một trong những đặc tính của bệnh này là ngứa, càng nóng càng ngứa. Chị L.T.N (Nam Phước, Duy Xuyên) cho biết đã chuyển từ Tây y sang Đông y, uống thuốc Nam nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Chị kể: “Tôi dùng phương pháp lể ở các thầy thuốc đông y để trị ngứa thì thấy đỡ hơn, máu bầm đen ở vùng da bị viêm được nặn ra hết. Nhưng chỉ đỡ được đôi ba ngày, sau đó bệnh vẫn trở lại”. Bác sĩ Phượng - chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết viêm da cơ địa chủ yếu do tác động của môi trường. “Hiện nay, môi trường sống của chúng ta có quá nhiều yếu tố gây tác động trực tiếp lên da của con người. Đặc biệt khi trời nóng, nhiệt độ cao dễ làm cho cơ thể rối loạn điều nhiệt, rối loạn tuần hoàn gây viêm da. Trong khi đó, đặc tính khó chịu của bệnh là hay tái phát”.

Bệnh thủy đậu khi không điều trị đúng cách gây ra biến chứng. Ảnh: A.T
Bệnh thủy đậu khi không điều trị đúng cách gây ra biến chứng. Ảnh: A.T

Có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong những năm đầu đời, thường gặp nhất trong 2 tháng đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6 - 20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành. Nhưng đối với bệnh nhân trưởng thành, khả năng để lại sẹo, vết trên da cao hơn trẻ em. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình (60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này; nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh) và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời.

Dấu hiệu của viêm da cơ địa ban đầu như những vết ban muỗi đốt nổi bất kỳ ở vùng da nào trên cơ thể. Nếu bệnh nhân gãi liên tục sẽ gây trầy xước da và để lại sẹo. Nặng hơn cấp tính với đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình. Khi bệnh ở giai đoạn mạn tính: da dày thâm, ranh giới rõ, liken hóa, các vết nứt đau; đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.

Thận trọng với bệnh ngoài da

Cũng theo bác sĩ Phượng, khi bị viêm da cơ địa, tuyệt đối tránh chà xát, gãi. Đồng thời bôi thuốc và dùng thuốc uống chống ngứa cho bệnh nhân. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hằng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như thịt gà, cá ngừ, nục, chuồn… và không dùng tất cả các loại sữa tắm. Có thể dùng theo phương pháp dân gian, tắm bằng nước lá, cây cỏ có dược tính sát trùng như chè xanh, khổ qua, lá khế… tùy theo tính chất bệnh và phải có lời khuyên của bác sĩ. Điều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh, đối với trẻ nhỏ là bố mẹ bệnh nhân. Tùy theo giai đoạn bệnh cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà cho thuốc bôi phù hợp.

Ngoài ra, một số nhóm bệnh về da thường gặp vào mùa hè là viêm da tiếp xúc do côn trùng, các bệnh về sẩn ngứa, nấm da, trứng cá, vẩy nến… Viêm da tiếp xúc do côn trùng là một trong những bệnh khá tiêu biểu về mùa hè. Một trong những loại côn trùng tiêu biểu thường gây bệnh về da đó là kiến ba khoang. Để phòng bệnh, vào buổi tối người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang.

Thêm vào đó là bệnh viêm da kẽ tay, nấm kẽ chân. Bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và người lao động chân tay, ra mồ hôi nhiều, làm việc ngoài trời. Phòng bệnh bằng cách giữ cho các kẽ hoặc ngấn da luôn sạch và khô. Ở trẻ sơ sinh có thể thoa bột phấn lên các vùng ngấn hoặc kẽ. Trong mùa hè nóng bức cần lựa chọn quần áo làm từ chất liệu nhẹ, mềm, thoáng, thấm mồ hôi.

Thủy đậu cũng là một trong những bệnh da liễu dễ bùng phát vào mùa nắng nóng. Khi đã mắc bệnh, con người sẽ có miễn dịch lâu dài suốt đời và ít khi bị lại lần hai. Đây là bệnh lành tính, đa số trẻ đến khám được cho về điều trị tại nhà. Bệnh hay gặp ở trẻ 1-9 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi khả năng bị ít hơn nhưng không phải là không có. Có một tỷ lệ nhỏ phải nhập viện vì biến chứng hoặc ban mọc quá nhiều. Bệnh lây qua đường hô hấp nên khi trẻ ho, virus bắn ra môi trường xung quanh, các bé khác dễ bị lây. Cha mẹ cần tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, đường hô hấp, da để phòng bệnh. Quan trọng là cần đưa trẻ đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Trẻ đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng vì bệnh tự miễn dịch ngay từ lần bị đầu tiên.

Anh Trâm

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo bệnh da liễu mùa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO