Thông tin về căn bệnh Whitmore xuất hiện trong thời gian gần đây khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, đây là căn bệnh phòng tránh được nếu giữ vệ sinh sạch sẽ.
Lo lắng từ Whitmore
Chia sẻ từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bản chất y học không có khái niệm chính thống Whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người”, nhưng những loại tác nhân gây tình trạng hoại tử rất nhanh thường được gọi tên này. Một số nhóm liên cầu, tụ cầu... gây tình trạng hoại tử rất nhanh cũng thường được gọi như vậy. Riêng Whitmore là bệnh do vi khuẩn Burkholderia sống trong bùn đất xâm nhập thông qua các vết thương hở và có nhiều dấu hiệu giống các căn bệnh khác nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và vùng da bị bệnh, gây loét hoại tử nên bị gọi là “ăn thịt người”. Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em. “Vi khuẩn có trong đất và nước không sạch. Bệnh này không lây từ người sang người và cũng không dễ bị nếu sinh hoạt vệ sinh sạch sẽ” - bác sĩ Khanh chia sẻ. Các triệu chứng bệnh có thể gặp cấp tính như sốt, triệu chứng hô hấp, suy hô hấp, co giật, hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người.
Hiện nay, ngoài Hà Nội với việc phát hiện một số ca mắc đầu tiên, tại một số tỉnh thành như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên đã bắt đầu phát hiện một số ca dương tính với Whitmore.
Phòng ngừa dịch bệnh
Việc phòng ngừa bệnh Whitmore, theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu tuân thủ việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cần phải có găng hay ủng bảo vệ, rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch thì khả năng nhiễm khuẩn rất thấp. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, gần đây thời gian ghi nhận bệnh nhân nhiều hơn là từ tháng 7 - 11. Đây là thời gian có mưa nhiều, nếu lội bùn, đắp đất và trên da có vết thương hở là cơ hội nhiễm vi khuẩn gây bệnh, vì vậy đảm bảo bảo hộ lao động là cách phòng tránh bệnh rất quan trọng. Theo đó, sau nhiều năm được coi là căn bệnh bị lãng quên, sắp tới sẽ có một hội nghị quốc tế về căn bệnh Whitmore được tổ chức vào tháng 10.2019 tại Hà Nội.
Trong khi đó, hiện nay tại Quảng Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm phải vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Đại diện Bệnh viện Da liễu Quảng Nam chia sẻ, mô hình bệnh tật tại Quảng Nam thường gặp các bệnh ngoài da, nhiễm nấm và ký sinh trùng nhiều hơn. Theo đó, để phòng ngừa các bệnh ngoài da khi bắt đầu vào mưa, người dân cần giữ gìn vệ sinh hợp lý, ăn chín uống sôi để phòng bệnh. Hơn nữa, nhiều bệnh ở trẻ liên quan đến bàn tay người chăm sóc. Do vậy, cha mẹ, thầy cô hay người trông trẻ phải luôn nhớ giữ đôi tay của mình trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ, chăm trẻ. Ngoài ra cần trang bị kiến thức về các bệnh nhiễm khuẩn da, nước ăn chân hay bệnh da do ký sinh trùng. Theo đó, thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, phòng bệnh bằng cách giữ cho các kẽ hoặc ngấn da luôn sạch và khô...
Bác sĩ Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, để phòng ngừa các bệnh dịch vào mùa mưa lũ sắp tới, Sở Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn để trang bị kiến thức cho cán bộ y tế cơ sở, đồng thời tích cực tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh hợp lý trong cộng đồng. Đối với các bệnh có khả năng thành dịch vào mùa mưa bão, theo bác sĩ Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam, thời gian tới, sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp triển khai chuẩn bị các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão. “Ngoài ra, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ hóa chất, thuốc men tại các cơ sở y tế để tình huống mưa bão lũ lụt xảy ra thì không bị thiếu. Ngoài ra các hóa chất côn trùng diệt bệnh cũng đã được chuẩn bị, đồng thời tăng cường xử lý nước sạch cho người dân. Thành lập các đội phòng chống lụt bão cơ động, nếu có tình huống xảy ra ứng phó ngay. Hóa chất, vật tư, con người đã sẵn sàng để đưa xuống các cơ sở y tế” - ông Kiệm nói thêm.