Dưới tán rừng già, xuất hiện nhiều cánh đồng cây trồng bạc tỷ, hứa hẹn cuộc hồi sinh ở các huyện nghèo.
Giấc mơ đại ngàn
Bản làng vùng cao Tây Giang vào xuân e ấp như người con gái dậy thì. Dưới trùng trùng rừng xanh, người dân mạnh dạn khai phá, trồng thực nghiệm nhiều cây dược liệu quý như sâm, ba kích, thảo quả, táo mèo. Dù đảng sâm mới di thực về, nhưng cây này được kỳ vọng sẽ giúp cho đồng bào thoát nghèo. Ông Alăng Prư (thôn Chnốc, xã Ch’Ơm, Tây Giang) thâm canh 2ha sâm đang phát triển tốt. Ông cho biết, cuối năm sẽ thu hoạch hơn 100kg, ít nhất có 10 triệu đồng. Nhiều hộ dân khác cũng được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật vào nhân rộng sâm. Hiện Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm tại biên giới Tây Giang, kèm theo trồng sâm Cao Ly, xuất xứ từ Hàn Quốc. Nhiều diện tích cây đảng sâm nhân rộng ở xã Ch’Ơm và Ga Ri. Ngành y tế cho rằng mục tiêu di thực cây sâm về Tây Giang nhằm bảo tồn, phát triển loài dược liệu quý cho đất nước. Bước đầu, các hộ sẽ được hỗ trợ giống, kỹ thuật để phát triển thành vùng nguyên liệu.
Trồng sâm Ngọc linh dưới tán rừng Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: H.Thọ |
Nhiều người dân xã Lăng (Tây Giang) hiện thực hóa giấc mơ đổi đời từ trồng cây ba kích. Cánh đồng ba kích cho bạc tỷ không còn là chuyện hoang tưởng. Ông Bríu Hùng, người dân xã Lăng quả quyết, mỗi héc ta ba kích thu nhập 1 tỷ đồng là có thật. Ông phân tích, bình quân 1ha thâm canh 10.000 cây ba kích tím, sau 3 năm thì thu hoạch (5 cây cho 1kg củ), năng suất đạt ít nhất 2 tấn củ (giá bán mỗi ký củ khoảng 500 nghìn đồng). “Thị trường rất chuộng cây dược liệu này nên không sợ đầu ra” - ông Bríu Hùng nói. Tây Giang đã trồng 20ha cây ba kích tím dưới tán rừng. Cánh đồng thảo quả hơn 10ha trồng thực nghiệm từ đầu năm 2012 đang sinh trưởng tốt. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang – ông Phạm A khẳng định, ngoài góp phần đa dạng sinh thái rừng, các loại cây dược liệu trồng dưới tán rừng rất triển vọng về kinh tế, mở ra lối thoát nghèo bền vững cho địa phương.
Rừng vàng
Năm 2014, tỉnh đưa ra cơ chế khuyến khích người dân bảo vệ các loài dược liệu quý, điển hình là hỗ trợ bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020. Nhóm hộ được nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ kết hợp trồng sâm dưới tán rừng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 80% giống. Chính sách này được xem như cú hích về cuộc cách mạng cây trồng. Có lên đến “vương quốc sâm” ở Măng Lùng (thuộc xã Trà Linh, Nam Trà My) mới thấy sự thay da đổi thịt ở vùng đất mây trắng chùng chình quanh năm. Qua mùa đông khắc nghiệt, sang xuân, sâm Ngọc Linh đâm chồi, thay lá. Dưới tán rừng nguyên sinh, những vườn sâm mơn mởn, xanh tốt. Mấy năm nay, rừng rú biết đến như nơi mất bình yên nhất, vậy mà rừng ở đây vẫn một màu xanh bất tận. Người Xê Đăng bảo, nơi nào có vùng dược liệu sâm, nơi đó không lâm tặc nào bén mảng đến. Dân bản địa tự bảo vệ rừng vì họ xem đó là sự sống còn của cây sâm. Cây sâm chỉ mọc dưới tán xạ ánh sáng, nhiệt độ 16 - 210C, độ ẩm trên 80%. Nếu rừng nguyên sinh bị triệt hạ, hoặc nghèo đi sâm sẽ không còn đất sống.
Di thực trồng thử nghiệm sâm tại Tây Giang. Ảnh: HỮU PHÚC |
Dưới rừng già Trà Linh, nhiều nông dân mỉm cười khi cây sâm đã mang lại cho họ thu nhập đáng kể. Nóc Măng Lùng có ông Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Du… được biết đến như tỷ phú sâm, chưa kể hàng trăm lao động “ăn theo” nghề trồng sâm. Khi đã trở nên giàu có, người Xê Đăng liên kết làm ăn, biết bảo tồn nguồn gen giống quý. Cây sâm cho đồng bào Xê Đăng cuộc sống sung túc nên đồng bào quý từng tấc đất trong rừng. Chính quyền huyện Nam Trà My nhìn nhận, từ rẻo cao nghèo khó, Trà Linh đã “lột xác” hoàn toàn nhờ cây sâm. Tin vui là năm 2015 được phê duyệt dự án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh. Theo ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, dự án có giá trị 9,1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 3,8 tỷ đồng, số tiền còn lại huy động từ nguồn vốn doanh nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2025, tập trung vào công tác bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh và trồng mới tại Nam Trà My, Đăk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum); tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở vùng trồng sâm cũng như đầu tư sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, phát triển du lịch vùng trồng sâm. Giai đoạn từ năm 2025 trở đi sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển sâm Ngọc Linh thực sự trở thành hàng hóa, tạo ra các sản phẩm đặc hữu có giá trị cao, mang thương hiệu sâm quốc gia. “Mục tiêu chính là cây sâm sẽ là cây xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc” - ông Bửu nói.
HỮU PHÚC