Nắng nóng kéo dài đã đặt Quảng Nam vào một trong số địa phương đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao nhất. Vì thế, chủ động các phương án phòng chống “giặc lửa” lúc này là một trong những nhiệm vụ then chốt của lực lượng kiểm lâm.
Đã xuất hiện đám cháy lan trên diện rộng ở rừng phòng hộ ven biển. Hồi giữa tháng 5, người dân thôn Bình Phú, xã Tam Tiến (Núi Thành) phát hiện ngọn lửa bốc cháy dữ dội tại khu rừng phòng hộ trồng cây dương liễu chắn cát ven biển, sau đó lửa phát tán nhanh ra khu vực chung quanh. Mất hơn 4 giờ đồng hồ, hai xe cứu hỏa, hàng chục chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và nhân dân mới khống chế hoàn toàn đám cháy. Thống kê cho thấy, hơn 500m2 rừng phòng hộ bị cháy, chủ yếu là cây dương liễu được trồng cách đây 20 năm do dân quản lý. Chủ tịch UBND xã Tam Tiến - ông Nguyễn Giúp cho hay, để ngăn chặn những vụ cháy rừng tương tự có thể xảy ra, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân về những nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô. Tại xã có ít nhất 100ha rừng phòng hộ đang đối mặt với nguy cơ cháy rất cao vì lá dương liễu dễ bị cháy, phát tán nhanh.
Hơn 23 nghìn héc ta lưu vực rừng đầu nguồn Phú Ninh cũng nằm trong vùng quản lý cháy rừng nghiêm ngặt. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, từ tháng 6 đến tháng 8 là đỉnh điểm của nguy cơ cháy rừng, tập trung ở các thôn Tân Vinh, Lâm Môn (xã Tam Vinh), các xã Tam Lộc, Tam Lãnh, riêng xã Tam Đại có 4 khu vực nguy cơ cháy cao như Đồng 159, Đồng Vòng, Tân Lợi, Nổng Vân. Trong khi đó, ở miền núi, báo động là những nơi có độ che phủ rừng cao. Cụ thể, tại huyện Đông Giang, khu vực cảnh báo gồm các xã Ba, Zơ Ngây, Tà Lu, Sông Kôn và A Ting; các khu rừng trồng và rừng khoanh nuôi có trồng bổ sung của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương. Các xã Ta Bhing, Chà Vàl và Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ, các khu rừng trồng cao su thuộc huyện Nam Giang.
Tại Bắc Trà My, xác định là các khu rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, các xã Trà Dương, Trà Đông, Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Nú, Trà Kót, Trà Giang, Trà Tân và thị trấn Trà My. Còn Nam Trà My, chủ yếu các vùng rừng cây bụi, lau lách, nơi có hoạt động sản xuất nương rẫy của đồng bào các xã Trà Mai, Trà Don và Trà Tập. Hàng ngày, Chi cục Kiểm lâm cập nhật “Chương trình cảnh báo sớm cháy rừng qua ảnh vệ tinh” để thông tin kịp thời cho các đơn vị kiểm tra. Đồng thời tham mưu, chỉ đạo và triển khai kế hoạch thông báo bằng tin nhắn SMS từ phần mềm cảnh báo cháy rừng cho các địa phương nắm bắt thông tin kịp thời và chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Ở phạm vi cấp Trung ương, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa phát đi công điện gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về việc phòng cháy chữa cháy rừng. Theo nội dung công điện, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, hầu hết diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp V (cực kỳ nguy hiểm). Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu các địa phương cần xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực phù hợp theo phương châm bốn tại chỗ, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn. Kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn. Tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng. Ngoài ra, bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa.
TRẦN NGUYỄN