Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội (khóa XIV) thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 14.6.2019. Ngày 1.1.2020, luật này chính thức có hiệu lực. Tại Điều 5, luật nghiêm cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Như vậy, người đã sử dụng rượu, bia thì nhất quyết không được điều khiển xe, lái phương tiện thủy nội địa, kể cả lái xe thô sơ, xe đạp. Quy định này một lần nữa cho thấy, pháp luật nghiêm minh trong loại trừ hậu quả mà “ma men” có thể gây phương hại cho người dân vô tội. Bởi lẽ, người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia thường chạy quá tốc độ, vượt ẩu, đi sai phần đường quy định và là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (TNGT). Theo các nhà nghiên cứu, người uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép sẽ giảm tốc độ phản ứng từ 10 - 30% khi có tình huống xảy ra trên đường. “Ma men” còn giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực của người sử dụng rượu, bia khi truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách.
Chuyên gia y tế chỉ rõ, chỉ dùng nồng độ cồn ở mức 0,1 miligam/1 lít khí thở thôi, chúng ta đã gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về. Nồng độ cồn trong máu đạt 50 miligam/100 mililít, tài xế không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác; dao động 50 - 79 miligam/100 mililít máu, nguy cơ xảy ra TNGT cao hơn người không uống rượu, bia tới 7 - 21 lần. Thế mới có chuyện, nhiều “đệ tử lưu linh” tự va vào trụ điện, tường rào, đâm dải phân cách, bay qua hàng rào ven đường, đâm trực tiếp vào phương tiện khác. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, năm 2019, TNGT xảy ra liên quan đến sử dụng rượu, bia chiếm 1,46% trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT. Điển hình, lái ô tô sử dụng bia đã gây tai nạn trong hầm Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) ngày 1.5 cướp đi sinh mạng 2 phụ nữ; ngày 25.8 tại TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) 5 sinh viên đèo nhau trên một xe máy tự đâm va vào dải phân cách khiến 4 người chết. Thời điểm trước khi xảy ra vụ việc, nhóm sinh viên này đi dự sinh nhật và đã uống rượu, bia.
Bước đầu hưởng ứng luật, Ủy ban ATGT Quốc gia đã chọn chủ đề Năm ATGT là “Đã uống rượu, bia, không lái xe”. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ xây dựng, hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ATGT bám sát chủ đề nêu trên; kế hoạch tuyên truyền, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020. Đồng thời cùng với Bộ Công Thương và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát tổ chức cuộc vận động các đơn vị kinh doanh rượu, bia thực hiện hoạt động tuyên truyền “Đã uống rượu bia, không lái xe”; hướng dẫn cơ sở kinh doanh rượu, bia nghiêm túc trong việc nhắc nhở, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện công cộng sau khi uống rượu, bia vì sự an toàn của mọi người, mọi nhà.