Quốc hội đang tranh luận dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và nội dung đề xuất tăng hay giảm giờ làm đối với người lao động được đặc biệt quan tâm.
Đề xuất xây dựng lộ trình để điều chỉnh còn 40 giờ làm mỗi tuần thay vì 48 giờ như hiện nay được các đại biểu tranh luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội; còn tại “bàn tròn” dư luận, không khí cũng không kém phần rôm rả bởi đề xuất quy định này rất thiết thân với người lao động, đặc biệt là công nhân và những người làm công ăn lương. Nhiều công nhân đã liên hệ thực tế với công việc của mình và tất nhiên, họ ủng hộ đề xuất giảm giờ làm chứ không cùng quan điểm với một số vị đại biểu rằng việc rút ngắn thời gian lao động làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, hay việc tăng ca là tự nguyện của công nhân, là... cực chẳng đã với doanh nghiệp.
Tôi cũng thử liên hệ với những gì mình nghe thấy được từ các thành viên của “tầng lớp công nhân” - đang phát triển nhanh chóng ngay ở nhiều vùng quê của tỉnh. Thật ngạc nhiên, cái không khí hồ hởi vì có công ăn việc làm ổn định từ nhà máy trào dâng một dạo ở nhiều gia đình nông thôn giờ đã tan biến mau, nhường chỗ cho những lời than vãn vì áp lực, vì bất tiện... Công nhân lao động phổ thông ở các nhà máy may, xưởng gia công tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm số đông và phổ biến từ độ tuổi 18 - 35, được cho là thời kỳ lao động sung sức nhất của mỗi người. Thế nhưng, mặt bằng thu nhập của họ hiện nay còn thấp, trong khi chi phí đời sống thì không ngừng tăng lên. Nhiều người than vãn làm công nhân cả tháng ròng, kể cả những ngày tăng ca nhưng lương nhận ra không lo nổi cái đám giỗ của gia đình. Thật tội nghiệp, ngay sau nhiều vụ đình công xảy ra, có chị còn mừng quýnh vì... được nghỉ mấy ngày, chứ không kỳ vọng sẽ được nâng lương, giảm giờ làm hay cải thiện môi trường lao động. Thái độ chấp nhận đó thật là phong cách... nông dân, lạc lõng trong môi trường lao động công nghiệp gấp gáp!
Con số thống kê giải quyết việc làm cho lao động địa phương trên các báo cáo thật đáng kể trong nhiều thành tích nổi bật về thu hút đầu tư, nhưng nếu “xét một cách toàn diện” e còn nhiều điều phải bàn, nhất là ở khía cạnh đời sống xã hội. Hầu hết công nhân chuyển dịch từ “quê” lên “phố” như Quảng Nam dù tự nguyện (kể cả làm tăng ca) cho các nhà máy nhưng thật sự họ có hài lòng không, hay nhiều trường hợp chỉ là bất đắc dĩ khi điều kiện lao động nghề nông đang dần hạn hẹp? Chi phí đời sống đang tạo ra áp lực lớn cho nhiều gia đình, trong khi thực tế nông dân giờ đây đã thất nghiệp nhiều hơn, thậm chí sinh viên ra trường cũng tìm đến công việc chân tay trong các nhà máy thì sự hài lòng là điều hiếm hoi. Đây là câu trả lời cụ thể nhất cho vấn đề đặt ra là vì sao họ phải lao động, phải tự nguyện. Chính vì thế, khi làm chính sách, xin hãy nghĩ đến việc tạo ra giá trị thặng dư bằng cách nâng cao công suất của máy móc chứ không phải kéo dài thời gian ngồi nhà máy của con người. Và xin đừng mang tư duy cạnh tranh quốc gia bằng lao động giá rẻ nữa, đó là kiểu cạnh tranh... lạc hậu như ý kiến một vị đại biểu Quốc hội đã tranh luận!