Cao su rớt giá

TƯ RUỘNG 08/07/2014 09:07

Thấy cây cao su cho hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2005 vợ chồng anh Ba Dương Hội ở thôn 3 (xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức) quyết định chặt phá 2ha keo lai để lấy đất trồng loại cây công nghiệp lâu năm này theo phương thức tiểu điền. Qua hơn 7 năm cần mẫn chăm sóc, đầu năm 2013 anh Ba đồng loạt khai cạo mủ cao su. Theo anh, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 9 dương lịch năm ngoái, bình quân 1ha cao su anh khai thác được 1,2 tấn mủ đông. Bán tại vườn cho các chủ đại lý thu mua với giá 1kg ít nhất 30 nghìn đồng, anh thu về không dưới 36 triệu đồng. Anh Ba kể: “Năm trước, cạo mủ 2ha cao su tôi bán được tổng cộng 72 triệu đồng. Trừ chi phí thuê nhân công khai thác, lãi khoảng 50 triệu đồng”.

Xong đợt thu hoạch đó, vợ chồng anh Ba tập trung chăm sóc vườn cao su để chuẩn bị cho kỳ khai thác năm 2014 hứa hẹn sẽ có nguồn thu nhập rất cao. Thế nhưng, hiện giá mủ cao su trên thị trường cứ liên tục giảm mạnh. Ba Dương Hội thở dài: “Qua kiểm tra thì hiện nay lượng mủ của hầu hết cây trong vườn đều nhiều hơn năm ngoái khoảng 35 - 40%. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì mà 3 tháng trở lại đây giá bán mủ thô lại rớt thê thảm. Lúc trước, 1kg mủ đông luôn dao động ở mức 30 - 32 nghìn đồng, nay thì đã giảm xuống còn 7 - 8 nghìn đồng. Nếu tình trạng ni cứ tiếp tục kéo dài thì biết đến khi nào tui mới thu hồi được 200 triệu đồng vốn đầu tư đã bỏ ra cho việc trồng và chăm sóc 2ha cao su này trong vòng hơn 8 năm qua”.

Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Trần Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Quế Lưu cho biết, những năm qua 284 hộ dân ở địa phương đã tự đầu tư trồng mới 291ha cao su tiểu điền, từ đầu năm 2013 đến nay nông dân đã đưa vào khai thác mủ khoảng 40ha. “Mấy tháng gần đây, thấy giá mủ cao su cứ rơi tự do nên người dân trên địa bàn xã Quế Lưu đã ngưng việc khai thác, thậm chí có vài hộ quyết định chặt phá vườn cây vốn bị ngã đổ một phần trong cơn bão năm ngoái để lấy đất trồng lại keo lai. Hiện nay, chính quyền và các hội, đoàn thể của xã đang tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ lại vườn cao su để chăm sóc chờ ngày giá thu mua mủ nhích lên chứ không nên vội vã chặt bỏ theo phong trào”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao su rớt giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO