Mặc dù giá cao su rớt xuống một nửa so với thời điểm năm 2013 và theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) là các doanh nghiệp không nên mở rộng diện tích trồng cao su, nhưng ngành cao su trong tỉnh vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trên những vùng đất mới.
Chờ cơ hội
Nhiều năm qua, cao su được xác định là cây trồng ưu tiên của huyện Hiệp Đức bởi ngoài sự đầu tư quy mô công nghiệp của doanh nghiệp, địa phương còn khuyến khích, hỗ trợ tiền cho người dân tham gia trồng cao su tiểu điền. Cao su là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, giải quyết thường xuyên 1.300 lao động tại huyện này. Những năm 2010 - 2011 là “thời điểm vàng” của cây cao su do đạt mức kỷ lục 100 triệu đồng/tấn, nhưng hiện tại chỉ còn hơn 30 triệu đồng/tấn, thấp hơn mức giá sàn mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đề ra. Đến các nông trường cao su Hiệp Đức, Núi Thành trong những ngày đầu tháng 11, chúng tôi không còn cảm nhận không khí lao động gấp gáp như trước đây. Rất ít công nhân ra hiện trường cạo mủ. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, Công ty Việt Hàn đều than thở, so với thời điểm năm ngoái, giá cao su giảm một nửa.
Bất chấp giá cao su xuống thấp, các địa phương vẫn phát triển cây cao su. Ảnh: T.H |
Để việc kinh doanh, sản xuất bình thường, ổn định đời sống cho người lao động, các doanh nghiệp trồng cao su phải cân nhắc nhiều khoản chi phí, cắt giảm các mục đầu tư chưa cần thiết. May là doanh nghiệp sản xuất, chế biến cao su trong tỉnh xuất khẩu theo hợp đồng với các đối tác đã ký từ các năm trước nên cũng ít lo lắng về khâu đầu ra. Tuy nhiên, theo nhiều công nhân tham gia cạo mủ cao su, do lao động theo thời vụ, hưởng lợi ăn chia theo khoán sản phẩm nên thu nhập cũng thất thường. Trong khi đó, người trồng cao su tiểu điền cũng không mấy thiết tha bỏ vốn đầu tư khi mỗi ngày chứng kiến giá rớt thê thảm. Ông Phan Phước Nhường, một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) trăn trở: “Gia đình tôi đầu tư vài héc ta cao su tiểu điền nhưng thấy không an tâm chút nào. Nỗi lo dịch bệnh, sâu bọ tấn công, năng suất mủ thấp, còn bây giờ thêm đau đầu về giá bấp bênh nữa. Thị trường cao su bất thường nên việc mở rộng diện tích trồng cao su trong năm nay rất hạn chế. Nhiều nông dân bắt đầu chán nản, chặt bỏ số cây bị hư hại, gãy ngã để trồng cỏ nuôi bò”.
Trồng theo quy hoạch
“Chuyện giá cao su lên xuống là tất yếu của thị trường nông sản. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây cao su theo đúng quy hoạch vùng sản xuất của tỉnh”. (Ông Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) |
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), 10 tháng đầu năm 2014, giá cao su đã xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua và dự báo sẽ tiếp tục rớt giá nhưng thực tế diện tích trồng cao su mới tăng vượt ra ngoài quy hoạch. Theo dự báo, hàng hóa sản phẩm từ cao su sẽ dư thừa trong các năm sau. Do vậy, Cục Trồng trọt khuyến cáo các doanh nghiệp không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su. Để giúp người trồng cao su đối phó với “bão rớt giá”, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương không chạy theo diện tích, tập trung nâng cao hiệu quả, giảm chi phí đầu tư và đẩy nhanh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô, mở rộng đối tác làm ăn mới. Tuy nhiên, với việc giá mủ cao su giảm leo thang mỗi ngày, thiệt hại kinh tế nặng nề nhất thuộc về doanh nghiệp và người dân. Hiện, nhiều chủ vườn trồng cao su đã tạm dừng khai thác mủ do giá bán ra thị trường thấp không đủ trả tiền cho nhân công lao động.
Theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, từ năm 2012 đến tháng 10.2014, giá cao su giảm liên tục do kinh tế thế giới phục hồi chậm, trong khi nguồn cung tăng nhanh làm lượng tồn kho nhiều, gây áp lực giá giảm và nhu cầu nhập khẩu chững lại. Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cao su cả nước giảm 11,7% về số lượng và 33% về giá trị so cùng kỳ, giá xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất (còn 1.979USD/tấn). Còn Sở NN&PTNT cho biết, với giá bán quá thấp như hiện nay, người trồng cao su đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là mô hình trồng cao su tiểu điền nhỏ lẻ, hay vườn cây đại điền đã đến thời kỳ cuối. Dù chưa phải chặt bỏ cao su nhưng người nông dân đã “cảnh giác” hơn khi bỏ vốn đầu tư. Ðến nay, trong cả nước đã có gần 4.000ha cao su bị chặt bỏ, chủ yếu diện tích cây do mưa bão đổ ngã, dịch bệnh… |
Bất chấp rủi ro từ thị trường cao su, các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước vẫn đang rà soát quỹ đất, mạnh dạn trồng mới. Tại huyện Thăng Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam sẽ được phép trồng hơn 1.169ha cao su nằm trong quy hoạch rừng sản xuất có hiện trạng rừng trồng và đất chưa có rừng. Tương tự, Tiên Phước cũng đang tính toán phủ xanh hơn 2.000ha cây cao su và huyện Phú Ninh cũng đang lập thủ tục, hồ sơ cho cây cao su bén rễ. Theo ông Nguyễn Duy Phúc – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, đến nay doanh nghiệp đã trồng hơn 6.000ha cây su ở các địa phương trong tỉnh và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ở Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước theo quy hoạch của tỉnh. Giá cao su dù hiện nay xuống thấp, nhưng vẫn có thể hạch toán huề vốn. Giải thích về việc Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương không được mở rộng diện tích trồng cao su, ông Phúc cho rằng, ngành nông nghiệp chỉ lưu ý với những nơi trồng đại trà, diện tích lớn, chứ trên địa bàn tỉnh việc trồng vẫn tuân thủ theo quy hoạch. “Thị trường nông sản lên xuống là chuyện bình thường. Giá xuống thấp nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì lực lượng lao động, chỉ cắt giảm chi tiêu” – ông Phúc cho biết. Doanh nghiệp, các địa phương không ngần ngại đầu tư cho “vàng trắng” ngay cả thời điểm giá xuống thấp “chạm đáy” vì lạc quan thị trường sẽ ấm trở lại.
TRẦN HỮU