Hiện trạng các loại đất trên địa bàn tỉnh có biến động lớn do điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mỗi năm. Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm tiến độ, hồ sơ xét duyệt, cấp đất tồn đọng nhiều.
Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân nhìn chung còn chậm. TRONG ẢNH: Nhiều hộ dân trong khu tái định cư xã Trà Bui (Bắc Trà My) chưa được cấp đất sản xuất và công nhận quyền sử dụng. Ảnh: H.P |
Ứ đọng hồ sơ
Từ năm 2011 đến nay, huyện Núi Thành, TP.Tam Kỳ và 8 xã vùng đông sông Trường Giang thuộc 2 huyện Thăng Bình và Duy Xuyên đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Hiện cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã được nghiệm thu và tích hợp vào hệ thống quản lý đất đai. Tại TP.Tam Kỳ, đã cấp 7.474 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là bìa đỏ). Số lượng hồ sơ hội đồng tư vấn cấp xã, phường xét duyệt là 48.594 hồ sơ (chiếm hơn 64% số hồ sơ đã kê khai, đăng ký). Trong đó, có 35.621 hồ sơ đủ điều kiện, 12.973 hồ sơ chưa đủ điều kiện. Năm 2015, huyện Núi Thành có 1.035 hồ sơ cấp mới và cấp đổi (đạt 100% số hồ sơ đã kê khai, đăng ký). Còn UBND huyện Thăng Bình ký 4.915 bìa đỏ cho các xã Bình Đào, Bình Hải, Bình Dương, Bình Minh, Bình Nam và Bình Sa. Huyện Duy Xuyên công nhận 2.658 bìa đỏ cho các tổ chức, cá nhân 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa.
Kiến nghị thu hồi hơn 8,6ha đất các loại Năm 2015, Sở Tài nguyên - môi trường đã triển khai 24 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi hơn 8,6ha đất các loại, truy thu tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Theo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, năm 2015 trên địa bàn tỉnh thu hồi 408 trường hợp với 4.266ha, giao đất 229,8ha; cấp 3.573 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất diện tích 2.386,6ha. Năm nay, các đơn vị chuyên môn thuộc sở đã ký kết với các địa phương bàn giao cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính. |
Theo các địa phương, vướng mắc nằm ở công đoạn đo đạc và kê khai đăng ký. Sự phối hợp giữa đơn vị thi công và chính quyền cơ sở thiếu chặt chẽ. Hồ sơ chưa tổ chức họp tại hội đồng tư vấn cấp xã tồn đọng nhiều. Điển hình, TP.Tam Kỳ mới họp xét duyệt được hơn 64%, huyện Núi Thành họp xét hơn 94% so với khối lượng hồ sơ đã kê khai, đăng ký. Khối lượng hồ sơ kê khai của các tổ chức và hộ gia đình còn ứ đọng nhiều. Các phường An Mỹ, An Sơn, An Xuân, Hòa Thuận, Phước Hòa (TP.Tam Kỳ), các xã Tam Quang, Tam Anh Nam (Núi Thành) xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai mới dừng lại ở công đoạn kê khai, đăng ký, chứ chưa cấp bìa đỏ. Cán bộ, nhân viên phòng tài nguyên - môi trường huyện, chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, địa chính xã vẫn còn sử dụng phương pháp cập nhật, chỉnh lý hồ sơ cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo tài liệu cũ. Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nêu bất cập: “Chính quyền cấp xã hầu như xác nhận 100% tình trạng pháp lý của thửa đất như quy hoạch, tranh chấp, thời điểm sử dụng đất, hoặc chủ trì phổ biến, quán triệt đến các thôn và hộ sử dụng đất về xác định tứ cận ranh giới, mốc giới thửa đất. Tuy nhiên, địa phương chưa làm rốt ráo nên hồ sơ tồn đọng nhiều”.
Biến động đất đai
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, qua kiểm kê đất đai, tổng diện tích đất tự nhiên theo địa giới hành chính của tỉnh đến nay là 1.057.474ha. Trong đó, nhóm đất nông nghiệp 880.689ha (chiếm hơn 83% tổng diện tích tự nhiên), nhóm đất phi nông nghiệp gần 91.000ha (chiếm 8,6%), nhóm đất chưa sử dụng 85.792ha (chiếm hơn 8,1%). Kiểm kê rà soát đất đai cho thấy, 17/18 huyện, thị xã, thành phố đều có diện tích đất nông nghiệp tăng so với năm 2010 là 81.899ha. Các huyện như Tiên Phước, Nam Trà My, Phú Ninh, Bắc Trà My, Tây Giang, Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình... có diện tích đất sản xuất trồng trọt tăng rất cao. Nguyên nhân chủ yếu vì các huyện miền núi chuyển từ đất hoang đồi sang đất trồng cây lâu năm, tăng do người dân canh tác trong diện tích các ban quản lý rừng nắm giữ. Các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên tăng do khai hoang diện tích đất chưa sử dụng để trồng cây lâu năm. Cũng theo ông Nguyễn Văn Thọ, đất nông nghiệp thực tế tăng vì thực hiện công tác giao đất, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp theo dự án đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10000; khai hoang mở rộng các mô hình kinh tế trang trại nông – lâm kết hợp. Thêm nữa, các địa phương điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất).
Trong khi đó, nhóm đất phi nông nghiệp chỉ tăng với tổng diện tích 3.228ha. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh phát triển hàng loạt dự án, công trình xây dựng cơ bản như mở rộng quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đầu tư các khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Tam Thăng... nên đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường) nhìn nhận, công tác đo đạc, kiểm tra đất đai gặp nhiều khó khăn do phần mềm chuyên ngành về kiểm kê do Bộ Tài nguyên – môi trường cài đặt chậm và thiếu ổn định. Hồ sơ địa chính quản lý ở 3 cấp thiếu tập trung và không thống nhất. Khâu tổ chức bảo quản, sử dụng hồ sơ địa chính ở cấp xã còn bất cập. Địa bàn triển khai rộng, địa hình lại phức tạp, nhất là các huyện miền núi cao, do đó kết quả kiểm kê chậm so với kế hoạch đề ra.
TRẦN HỮU