Được địa phương ký kết hợp đồng khai thác cát sỏi phục vụ cho công trình giao thông nông thôn, một nhóm người đã huy động máy móc, xe cơ giới ngày đêm tận thu thêm vàng tại lòng sông Quế Phương (thuộc thôn 4, xã Tiên Lập, Tiên Phước), ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
“Đục khoét” dòng sông
Từ thông tin đường dây nóng của Báo Quảng Nam, phóng viên tìm về dòng sông Quế Phương (một nhánh sông nhỏ chảy về sông lớn Bồng Miêu), đoạn qua địa phận thôn 4 (xã Tiên Lập). Đi lạc đường nhiều lần, chúng tôi mới tiếp cận được “đại công trường” đang vào thời điểm hoạt động hết công suất. Gần trưa, con sông Quế Phương (nơi giáp ranh giữa xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh và xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) vẫn có gần 10 công nhân đang hì hục lao động, sửa chữa lại máy nổ. Một chiếc xe múc trọng tải lớn nổ máy bành bạch múc đất, đá đổ lên giàn bồn lọc. Phía bờ sông một chiếc máy nổ nối các dây ống hút nước lên giàn bồn lọc vàng. Chung quanh có nhiều thanh niên ngồi dùng vòi xịt nước vào đất đá để lọc vàng.
Tại lòng sông Quế Phương, có nhiều thiết bị máy móc phục vụ khai thác vàng. |
Khi chúng tôi vượt sông thâm nhập hiện trường, một thanh niên ra chặn lại, phân bua: “Xã đã cho phép chúng tôi lấy cát sạn để xây dựng đường bê tông, chứ hoàn toàn không lấy vàng sa khoáng đâu”. Thế nhưng, khi tiến vào sát nơi đặt hệ thống sàng lọc vàng, thật sửng sốt khi bắt gặp hàng trăm mét khối cát, sỏi xới lên, lòng sông đã bị đào sâu hoắm. Các phương tiện xe múc, ủi, máy móc sàn tuyển quặng vàng sa khoáng còn đang hoạt động, ngày đêm phá nát dòng sông như chốn không người. Chúng tôi ghi nhận lòng sông bị cày nát với quy mô rộng hơn một sân vận động. Nhiều nhà dân bên bờ kia sông chứa xái quặng và tổ chức đãi vàng bằng phương pháp thủ công.
Người dân Tiên Lập vẫn còn sống bằng nghề đãi vàng sa khoáng. Ảnh: T.H |
Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng “đục khoét” dòng sông Quế Phương rầm rộ hơn 2 tháng qua. Lợi dụng việc vận chuyển cát, các đối tượng ngang nhiên kết hợp khai thác vàng sa khoáng dưới sông. Việc lấy cát chỉ là hình thức, thực chất họ “đội lốt” để tận thu vàng. Sông bị chặt khúc, ngăn dòng, nước nhuốm màu đục ngầu trải dài uốn lượn quanh chân núi. Những cái ao, hồ và những núi đất, đá nhân tạo được mọc lên nhấp nhô giữa sông. Nhiều chỗ, đơn vị khai thác múc sâu xuống lòng sông sâu đến 5 - 7m, tạo thành những hồ nước lớn.
Chính quyền xã không biết
Vì sao địa điểm khai thác vàng sa khoáng cách trụ sở UBND xã Tiên Lập vài cây số, lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà dễ dàng “qua mặt” chính quyền địa phương? Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lập cho rằng, chính quyền không hề nghe người dân phản ảnh thông tin. Mà nếu có thì bên đối tác hợp đồng chỉ lén lút làm ban đêm, chứ địa bàn Tiên Lập đã hết vàng lâu rồi; phần lớn dân địa phương qua địa bàn Tam Lãnh khai thác. Tuy nhiên, khi phóng viên khẳng định, đối tượng đã lợi dụng hình thức khai thác cát để lấy vàng sa khoáng, thì ông Bằng bảo sẽ kiểm tra lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND xã Tiên Lập đã có tờ trình xin UBND huyện Tiên Phước được tận thu cát sỏi dưới sông Quế Phương nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn. Xét thấy nhu cầu chính đáng, chính quyền huyện đã thống nhất chủ trương cho phép xã tổ chức khai thác, hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện. Vì vậy, UBND xã đã hợp đồng với nhóm hộ do ông Nguyễn Xuân Thành đại diện khai thác khoảng 2.000m3 cát, sạn. Thời gian khai thác từ tháng 7 đến hết tháng 9.2014. Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lập Nguyễn Văn Bằng thông tin thêm, các khoản phí tài nguyên, thuế của bên khai thác cát sỏi đều đóng hết cho huyện, chứ xã không được hưởng đồng nào.
Nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông nông thôn, UBND tỉnh có chủ trương cho phép các huyện, thành phố được tận dụng nguồn cát sỏi tại chỗ, nhưng tuyệt đối không được ảnh hưởng đến việc sạt lở bờ sông, suối, tác động xấu đến đất sản xuất của người dân. Quy định chỉ cho phép khai thác quy mô tối đa không lớn hơn 0,5ha và khối lượng dưới 5.000m3. Việc thi công phải chấm dứt trước ngày 30.9 hằng năm. Tuy nhiên, với những gì quan sát tại lòng sông Quế Phương, chúng tôi nhận thấy mức độ tàn phá môi trường rất nghiêm trọng và hoàn toàn đi ngược với chủ trương của tỉnh. Theo ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường), hầu hết vị trí, địa điểm khai thác cát sỏi lòng sông, suối do UBND huyện, xã chọn đều không đánh giá tác động môi trường.
TRẦN HỮU