Khởi nghiệp từ nguồn năng lượng sạch

THANH THẮNG 09/09/2019 11:04

Chọn khởi nghiệp bằng việc cung cấp thiết bị và lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT) đang là hướng đi mới của anh Trần Tấn Kỳ (33 tuổi, trú khối phố An Hà Nam, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cùng nhóm bạn có cùng chí hướng. Cách làm này đang hướng người sử dụng điện tiết kiệm nguồn năng lượng, đồng thời cung cấp thêm nguồn điện vào mạng lưới.

Anh Kỳ kiểm tra lại những tấm pin ĐMT áp mái ở nhà một hộ dân. Ảnh: THANH THẮNG
Anh Kỳ kiểm tra lại những tấm pin ĐMT áp mái ở nhà một hộ dân. Ảnh: THANH THẮNG

Chọn hướng đi riêng

Anh Trần Tấn Kỳ kể, năm 2010 tốt nghiệp chuyên ngành Điện - điện tử (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), anh xin vào làm việc tại ở Công ty CP Kính nổi Chu Lai (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai - Núi Thành). Công việc bảo trì điện phù hợp với chuyên môn nên anh luôn hoàn thành công việc được giao. Vừa làm công việc hàng ngày ở công ty, anh còn dành thời gian nghiên cứu về nghề điện mà trên ghế nhà trường chưa được thực hành.

Hơn một năm làm việc ở Công ty CP Kính nổi Chu Lai, anh Kỳ nhận ra bản thân không còn phù hợp ở đây nữa nên tiếp tục xin lên miền núi huyện Phước Sơn làm bảo trì điện cho một công ty khai thác vàng. Điều kiện làm việc ở miền núi tuy khó khăn, nhiều lúc thiếu nguồn điện sử dụng là một trong những động lực giúp anh tìm tòi, nghiên cứu về một loại năng lượng sạch chuyển hóa thành điện năng. Nhiều năm tìm hiểu, anh biết được điều kiện tự nhiên, bức xạ tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, trong đó có Quảng Nam rất phù hợp với ĐMT. Vừa làm, anh Kỳ cố nghiên cứu và tìm tòi những công nghệ lắp đặt hệ thống ĐMT ở trong nước và nhiều nước trên thế giới. Anh Kỳ nhớ như in, tháng 8.2017, anh nhận dự án bắt ĐMT đầu tiên tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang) với 4,5KWP, tổng cộng 16 tấm pin năng lượng mặt trời. Dự án này, điện được đấu nối vào ắc quy để tích tụ điện rồi sử dụng. Dự án ban đầu thành công như mong đợi đã tạo thêm động lực cho đam mê của anh. 

Bám nghề

Trải qua 5 năm làm việc ở huyện miền núi Phước Sơn, năm 2017 khi đã có một số vốn, anh Kỳ trở về TP.Tam Kỳ mở cơ sở điện máy để buôn bán và bám với nghề điện của mình. Cùng thời điểm, anh liên kết với một số nhãn hàng máy lọc để cung cấp sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra anh còn làm đại diện cho hãng máy lọc nước của Geyser tại Quảng Nam. “Nhiều năm công tác ở các công ty khác nhau tôi nhận ra rằng, làm việc ở công ty khó có con đường thăng tiến, cùng với đó sẽ khó thực hiện ước mơ của mình. Tôi cố gắng làm nhiều thứ vừa làm vừa nghiên cứu ĐMT để sau này mang nguồn năng lượng đến cho người dân” - anh Kỳ chia sẻ.

Sau khi đã thành công với những dự án lắp đặt hệ thống ĐMT, anh Kỳ liên kết với một số người bạn có cùng chí hướng thành lập Công ty CP Công nghệ và năng lượng Greviso (đóng tại phường An Phú, TP.Tam Kỳ) do anh Trần Tấn Kỳ làm giám đốc. Công ty của anh chuyên cung cấp và lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho người dân và các dự án. “Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, nhiều thiết bị sử dụng tiêu tốn rất nhiều năng lượng nên vấn đề điện cũng là cấp bách. Trong khi đó ở trên địa bàn Quảng Nam rất phù hợp để bắt ĐMT trên mái nhà và khai thác hiệu quả” - Anh Kỳ nói.

Cũng theo anh Kỳ, việc lắp đặt, sử dụng ĐMT trên địa bàn tỉnh đang được người dân, doanh nghiệp dần tiếp cận. Việc thuận lợi hơn là ngành điện lực cho ĐMT hòa vào lưới điện và mua lại điện năng lượng ĐMT. Khi  lắp ĐMT áp mái ngoài có thêm nguồn điện để dùng, điện dư có thể bán lại cho ngành điện. Các dự án lắp đặt ĐMT có thể hòa trực tiếp vào lưới diện nên chi phí lắp đặt đã giảm nhiều so với lắp đặt ĐMT tích tụ điện ở bình ắc quy. Anh Kỳ nhẩm tính, một hộ gia đình nếu bắt ĐMT áp mái sử dụng với mức trung bình thì chi phí lắp đặt khoảng 100 triệu đồng và được bảo hành thời gian hơn 10 năm. Khi bắt hệ thống ĐMT, vào ban ngày không dùng hết điện thì điện được tải trực tiếp lên lưới điện rồi bán cho ngành điện lực. Người dân lắp ĐMT công suất theo hộ thì khoảng 6 năm có thể thu hồi vốn. “Hiện tại nhóm của chúng tôi có 4 thành viên chính, trong đó 1 kỹ sư cơ khí, 2 kỹ sư tự động hóa, 1 thạc sĩ điện tử. Ngoài cung cấp thiết bị lắp đặt ĐMT, chiến lược của chúng tôi là phát triển tất cả sản phẩn ĐMT như đèn sử dụng ĐMT, camera sử dụng ĐMT, cục sạc đa năng ĐMT… Ngoài ra chúng tôi sẽ sàng lọc, chế tạo những thiết bị bo mạch, bộ điều khiển thay vì nhập khẩu như hiện nay” - anh Kỳ chia sẻ.

Được biết, anh Kỳ là thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tam Kỳ, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam. Bạn đọc liên hệ chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ anh Trần Tấn Kỳ qua số điện thoại: 0935.616.760 hoặc Gmail: kytrantan@gmail.com.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp từ nguồn năng lượng sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO