Nữ kỹ sư thực phẩm và bánh đậu xanh Mỹ Khánh

MỸ LINH - BÙI HUÂN 19/05/2022 17:20

(QNO) - Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sau một thời gian làm việc tại Đà Nẵng, chị Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1989, xã Tam Thành, Phú Ninh) quyết định về quê khởi nghiệp với nghề làm bánh đậu xanh. Sau 4 năm nỗ lực, bánh đậu xanh Mỹ Khánh đã trở thành sản phẩm đặc sản xứ Quảng, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Trần Thị Ánh Tuyết với sản phẩm bánh đậu xanh Mỹ Khánh. Ảnh: L.H
Chị Trần Thị Ánh Tuyết với bánh đậu xanh Mỹ Khánh. Ảnh: L.H

Trong thời gian làm việc tại Đà Nẵng, chị Tuyết học thêm nghề làm bánh. Nhận thấy bánh đậu xanh khô là đặc sản của Quảng Nam nhưng cơ sở sản xuất còn ít, chị hình thành ý tưởng phát triển sản phẩm này. Năm 2018, chị Tuyết nghỉ việc tại Đà Nẵng để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.

Để học hỏi kinh nghiệm, thời gian đầu, chị Tuyết rong ruổi khắp Hội An tìm hiểu các xưởng làm bánh đậu xanh. Đến cuối năm 2018, tận dụng diện tích xưởng ép dầu của ba mẹ, chị bắt tay chế biến những mẻ bánh đậu xanh khô đầu tiên.

Quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: L.H
Quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: L.H

Được đào tạo ngành công nghệ thực phẩm nên chị Tuyết nắm được quy trình làm bánh, lựa chọn nguyên liệu, các công đoạn sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhờ cần cù, chịu khó nên sản phẩm bánh đậu xanh dần có chỗ đứng trên thị trường chỉ sau thời gian ngắn.

“Tôi luôn chú trọng đến tiêu chí chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Lựa chọn phát triển theo hướng đặc sản quê hương nên phải tạo ra được sản phẩm không chỉ ý nghĩa, mang hương vị quê nhà mà còn tạo được niềm tin ở khách hàng bởi chất lượng” - chị Tuyết chia sẻ.

Áp dụng máy móc hiện đại, cơ sở sản xuất bánh với số lượng lớn. Ảnh: L.H
Trang bị máy móc hiện đại giúp cơ sở sản xuất bánh với số lượng lớn. Ảnh: L.H

Bước đầu thành công, cuối năm 2019, chị Tuyết quyết định xây dựng nhà xưởng rộng 300m2, đầu tư nhiều máy móc hiện đại như máy hấp, máy ray, máy nhào, máy in, máy đóng gói… để sản xuất nhiều hơn. Các máy móc này được chính tay chị Tuyết lên bảng vẽ và đặt làm theo ý của mình.

Hiện nay, cơ sở  của chị Tuyết sản xuất 2 loại bánh là bánh đậu xanh nhân thịt và bánh đậu xanh (bánh chay). Nguồn nguyên liệu thu mua từ người dân địa phương, được chọn lọc, sơ chế cẩn thận trước khi chế biến.

Điểm đặc biệt của bánh đậu xanh Mỹ Khánh là 100% nguyên liệu từ đậu xanh nguyên chất, không pha trộn các loại bột khác, không chất bảo quản, giúp tăng hương vị và làm gia tăng giá trị dinh dưỡng của bánh đậu xanh truyền thống. Bằng bí quyết riêng nên dù không dùng chất bảo quản song bánh đậu xanh thịt của chị Tuyết có thời hạn sử dụng lên đến 6 tháng, còn bánh đậu xanh chay thì hạn dùng lâu hơn.

Bánh đậu xanh được lên khuôn trước khi cho vào lò nướng. Ảnh: L.H
Bánh đậu xanh được lên khuôn trước khi cho vào lò nướng. Ảnh: L.H

“Các công đoạn làm bánh đều trong môi trường khép kín, qua các khâu sơ chế đậu xanh, thịt heo, hấp đậu, ngào đường, ray, lên khuôn bánh, nướng bánh, thành phẩm, đóng gói... Trong đó, khâu chọn thịt và xử lý nhân là quan trọng nhất, bởi nếu chọn và sơ chế thịt sơ sài thì khi thành phẩm bánh sẽ không đảm bảo chất lượng, không để được lâu” - chị Tuyết cho biết.

Công đoạn gói bánh thủ công bán lẻ. Ảnh: L.H
Công đoạn gói bánh thủ công bán lẻ. Ảnh: L.H

Để khẳng định thương hiệu bánh đậu xanh Mỹ Khánh, năm 2019, chị Tuyết mạnh dạn đăng ký tham gia OCOP của tỉnh và được công nhận 3 sao với sản phẩm bánh đậu xanh nhân thịt.

“Tham gia OCOP rất hữu ích, chương trình giúp tôi hoàn thiện sản phẩm về mẫu mã, thiết kế và đăng ký nhãn hiệu. Từ khi đạt 3 sao, bánh đậu xanh Mỹ Khánh có mặt tại nhiều siêu thị và các cơ sở bán quà tặng du lịch. Đến nay, bánh đã có mặt gần như trên cả nước” - chị Tuyết cho hay.

Hiện mỗi tháng, cơ sở bánh đậu xanh Mỹ Khánh sản xuất được hơn 2 tấn bánh, doanh thu từ 120 -150 triệu/tháng, mức giá giao động từ 15.000 - 30.000 đồng/hộp tùy trọng lượng. Cơ sở cũng đang giải quyết công ăn việc làm cho 7 lao động nữ tại địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Công đoạn đóng gói bánh đậu xanh bằng máy. Ảnh: L.H
Công đoạn đóng gói bánh đậu xanh bằng máy. Ảnh: L.H

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Tuyết cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bánh mới, đồng thời hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm bánh đậu xanh nhân thịt, đăng ký tham gia OCOP với loại bánh đậu xanh không nhân.

“Hai năm dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ bánh, hiện du lịch đã khởi sắc trở lại, dịch bệnh cũng đã được kiểm soát, kỳ vọng bánh đậu xanh Mỹ Khánh sẽ được nhiều người yêu thích hơn và đi xa hơn nữa” - chị Tuyết nói.

 [VIDEO] - Quy trình sản xuất bánh đậu xanh của cơ sở Mỹ Khánh:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nữ kỹ sư thực phẩm và bánh đậu xanh Mỹ Khánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO