Theo nghề giò chả

NHƯ TRANG 22/02/2020 07:31

(QNO) - Tuổi thơ lớn lên cùng tiếng cối giã thịt và những sợi dây nhiều sắc màu buộc vào lá chuối xanh, chị Đỗ Thị Ánh Ngọc cùng chồng đã chọn nghề làm giò chả, giữ hương vị quê nhà suốt 20 năm qua.

Anh Đặng Văn Tuấn vớt chả từ nồi hấp để giao cho thương lái từ 4 giờ sáng. (Ảnh: N.Trang)
Anh Đặng Văn Tuấn (chồng chị Ngọc) vớt chả từ nồi hấp để giao cho thương lái từ 4 giờ sáng. Ảnh: N.TRANG

Món giò chả của cha

Nhắc về nghề truyền thống của gia đình, chị Đỗ Thị Ánh Ngọc (khối phố Quảng Lăng A, phường Điện Nam Trung, Điện Bàn) bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian hồi thơ bé bên cha phụ làm giò chả. Chị Ngọc kể: “Nhà cha mẹ tôi ngày xưa ở Vĩnh Điện (Điện Bàn), lại gần chợ, cho nên làm giò chả bán rất đông khách. Hồi nhỏ tôi vừa học vừa làm phụ cha mẹ, thành ra học nghề từ đó luôn!”.

Cách làm giò chả được truyền từ đời ông bà xưa được cha của chị Ngọc là ông Đỗ Huy (70 tuổi) giữ lại, bám trụ với nghề để nuôi cả gia đình. Muốn làm giò chả cho thật ngon, khiến người thưởng thức lần đầu phải ăn cho bằng được nhiều lần sau nữa, đòi hỏi người làm giò chả phải nắm rõ quy trình từ công đoạn nhập nguyên liệu “đầu vào” cho đến cách nấu, hấp và vớt ra.

Chia sẻ với chúng tôi về nghề giò chả truyền thống, ông Đỗ Huy nói: “Trong mấy đứa con, tôi nhắm được con Ngọc có thể nối nghề. Nghề này phải siêng, chịu khó và nhẫn nại thì mới bền”. Siêng ở chỗ, chị Ngọc luôn cùng ông Huy tìm đến các lò thịt heo, thịt bò để học cách chọn thịt nạc sao cho ngon, dai. Rồi chị cũng để ý cách cha mình xay chả cho thật mịn, gói chả không bị rách lá, nêm nếm gia vị vừa phải và cách hấp sao cho chả vớt ra có vị thơm, vị dai của chả quyện với mùi lá chuối xanh. Đặc biệt, chị Ngọc biết để ý, định giá cả với thương lái ở chợ để có thể bỏ hàng lâu dài, duy trì lượng hàng bán ra ổn định.

Chị Ngọc chia sẻ: “Theo nghề cha là biết sẽ cực lắm, sẽ phải thức khuya dậy sớm. Nhưng biết sao giờ, nghề này nuôi lớn cuộc đời chị em tôi, và tôi biết nó sẽ giúp tôi nuôi những đứa con của mình ăn học thành tài”. Vậy là, theo chân cha, chị Ngọc học cách giữ lửa nghề làm giò chả truyền thống, đưa món ăn mộc mạc của quê hương mình đi đến nhiều quê hương khác.

Cùng chồng lập nghiệp

Năm 2000, chị Ngọc lấy chồng và mang nghề giò chả của cha đến quê chồng lập nghiệp. Lúc này, tại các xã vùng cát ở Điện Bàn (bây giờ là phường Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông) ít ai có thói quen ăn chả giò và dường như với người dân thì đây là món ăn đắt tiền, xa xỉ. Nắm được thị trường, chị Ngọc quyết định đầu tư, phát triển nghề làm giò chả tại đây.

Nghĩ là làm, chị Ngọc trao đổi, bàn bạc với chồng - anh Đặng Văn Tuấn để đắp lò, mua sắm nồi hấp về làm giò chả bán. Nhớ lại thời gian đầu lập nghiệp, anh Tuấn nói: “Thời gian đó tôi đang làm công nhân, thu nhập rất ổn định. Tôi cũng do dự lắm, nếu nghề làm giò chả không thành, thì tôi lại lao đao xin lại công việc. Nhưng nghĩ cho vợ, tôi quyết định theo nghề”. 

Số vốn liếng bao năm phụ cha làm, bán giò chả, vợ chồng chị Ngọc đi vay thêm để mở cơ sở sản xuất giò chả Tuấn Ngọc. Thời gian đi chào hàng, nhiều người ái ngại không dám lấy, nhưng anh Tuấn và chị Ngọc mở lời cứ lấy, bán được mới trả tiền. Không ngờ, hương vị giò chả của cặp vợ chồng trẻ khiến người thưởng thức vô cùng thích thú, giá cả lại rẻ nên tiếng lành đồn xa, người đặt hàng càng lúc càng nhiều. Chị Ngọc cho biết: “Tôi thường bỏ chả cho khách hàng từ Đà Nẵng vào đến Hội An. Công việc tuy vất vả nhưng tôi hạnh phúc bởi hương vị của cha được nhiều người biết đến”.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất giò chả của vợ chồng chị Ngọc cho ra hàng nghìn chả cây loại nhỏ (3.000 đồng/cây) và khoảng 100kg chả đòn (250 - 300 nghìn đồng/kg). Dịp tết, số lượng tăng gấp 10 lần ngày thường. Và dù vẫn thức khuya dậy sớm, cần mẫn với công việc nhưng chị Ngọc, anh Tuấn vẫn quyết tâm gắn bó với nghề của cha - nghề giữ hương vị quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo nghề giò chả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO