Vườn hoa giấy của chàng trai khuyết tật

THÁI CƯỜNG 23/04/2020 10:19

(QNO) - Biến cố ập đến ngỡ anh Nguyễn Khắc Linh (SN 1988, thôn 8, xã Tiên Thọ, Tiên Phước) phải sống thực vật suốt quãng đời còn lại, nhưng với nghị lực phi thường, anh đã vươn lên từ “vực thẳm” của số phận.

Chân dung chàng thanh niên khuyết tật Nguyễn Khắc Linh. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Anh Nguyễn Khắc Linh. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Mắc bệnh hiểm nghèo

Năm 2014, gia đình anh Nguyễn Khắc Linh chuyển từ Sài Gòn về quê sinh sống. Trong một cơn bạo bệnh, sau một đêm, từ chàng trai khỏe mạnh, tháo vát làm ruộng làm rẫy, cơ thể anh bị tê liệt hoàn toàn bởi căn bệnh hiểm nghèo: viêm tủy cắt ngang.

Nỗ lực chạy chữa ở bệnh viện tuyến tỉnh rồi lên Trung ương nhưng không thành, bà Nguyễn Thị Lý (SN 1958, mẹ anh Linh) đành đưa con về trong niềm vô vọng. Với bà, cuộc sống phía trước trở nên mù mịt hơn bao giờ hết khi con mình phải sống thực vật suốt quãng đời còn lại.

Kiệt quệ tài chính bởi việc chạy chữa cho anh Linh, gia đình lại hộ nghèo, người mẹ già phải đi làm thuê đủ thứ nghề để kiếm tiền chăm con, nuôi cháu và trả nợ. Vợ anh Linh thì bỏ đi khi con trai mới 20 tháng tuổi. Khi Linh bị đau, bà cháu bồng bế nhau đến bệnh viện chăm, cực khổ trăm bề.

Bệnh viêm tủy cắt ngang khiến tay chân bị liệt nhưng đầu óc anh Linh vẫn còn minh mẫn. Tai họa ập đến ở cái tuổi 26, mỗi ngày nằm trên giường bệnh với anh như là một cuộc chiến về tinh thần. Anh quyết tâm tập luyện, từng bước di chuyển tứ chi nặng nề đang dần chết đi.

“Tôi nhờ bạn bè đến nhà thiết kế cho cái ròng rọc để tập luyện. Mỗi ngày trôi qua thấy tiến triển hơn. Khi thử đứng với cặp nạng, tôi không biết mình đã ngã xuống đất bao nhiêu lần, thế nhưng bản thân không bao giờ thôi cố gắng” - anh Linh kể.

Ba năm chống chọi với bệnh tật, anh Linh không cho phép bản thân được nghỉ ngơi, vì sợ sẽ bị cứng cơ. Đến giờ anh đã tự đi lại bình thường, dù mỗi khi trái gió trở trời xương khớp lại đau nhức, nhưng đó đã là một kỳ tích.

Nghị lực vươn lên

Đứng dậy sau cơn bạo bệnh, việc đầu tiên anh Linh nghĩ đến là kiếm tiền phụ giúp người mẹ khổ cực bấy lâu nay. Sau vài bận nuôi gà, buôn cau… nhưng đều thua lỗ, năm 2018, khi có trong tay vài triệu bạc, anh bắt đầu với công việc thu mua gốc hoa giấy ở thị trường Quảng Ngãi. Sau đó thông qua mạng xã hội để bán cho khách trên cả nước.

Bằng cách buôn bán trung gian, anh Linh gầy dựng cơ ngơi và thu mua số lượng lớn, trở thành cơ sở độc quyền về hoa giấy trên địa bàn Quảng Ngãi. Năm 2019, anh mở thêm chi nhánh thu mua tại nhà ở thôn 8, xã Tiên Thọ. Năm 2019, trung bình 1 tháng anh Linh nhập 500 - 700 cây từ các cơ sở thu mua trên cả nước do anh gầy dựng từ khi còn ở Quảng Ngãi.

Hoa giấy được nhập về thường là những gốc cây thô (chưa có mầm) có kích thước lớn và độ tuổi vài chục năm. Sau đó anh chăm sóc để cây ra phôi và vô bầu bán cho khách hàng. Hiện tại ở vườn Quảng Nam có khoảng 1.000 gốc, Quảng Ngãi 2.000 gốc, chủ yếu là hoa giấy có màu tím Huế. Đây là màu hoa được những người mê phong thủy hay chọn.

Vườn hoa giấy nghìn gốc của anh Nguyễn Khắc Linh:

Theo anh Linh, cây hoa giấy có sức sống rất cao và ít tốn công chăm sóc. Hiện nay, thị trường tiêu thụ mạnh ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Mặc dù giờ đã trở thành cơ sở thu mua cây lớn nhưng anh Linh cam kết cùng cộng đồng buôn không bán phá giá loại cây này. “Phần lớn cây thành phẩm tôi bán cho các công trình với số lượng lớn. Một số cây tốt, tôi mang đi ghép và chăm sóc kỹ để bán cho khách lẻ mua về trồng trong vườn nhà” - anh Linh nói.

Anh Linh cho hay, việc buôn cây theo hình thức này lợi nhuận không được cao như bán cây thành phẩm theo kiểu bonsai mà các nhà vườn hay làm. Ở vườn anh, mỗi gốc hoa giấy dao động 1 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng. “Từ sự cố gắng của bản thân, đến nay tôi đã sở hữu hàng nghìn gốc hoa giấy. Lợi nhuận tiền mặt không nhiều nhưng quy ra cây ở vườn và số tiền hiện đặt cọc ở các cơ sở thu mua thì khoảng 5 - 6 tỷ đồng” - anh Linh cho biết.

Bí thư Đoàn xã Tiên Thọ - chị Lê Thị Thương cho biết, anh Linh là một thanh niên khuyết tật nhưng có nghị lực sống phi thường. Từ việc kinh doanh cây cảnh, hiện gia đình anh đã đăng ký xin thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vườn hoa giấy của chàng trai khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO