Câu chuyện tác phong công nghiệp của người lao động (NLĐ) luôn là vấn đề thời sự mỗi khi được nhắc đến, và cũng gây không ít phiền hà cho mỗi doanh nghiệp (DN) khi NLĐ chưa hội nhập.
1. Hàng chục ngàn công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh hầu như đều có xuất phát điểm từ nền nông nghiệp với tác phong làm việc theo kiểu thủng thẳng, hôm nay không làm ngày mai làm cũng không sao. Khi kiểu làm việc ấy được mang từ thửa ruộng, mảnh vườn vào xưởng sản xuất với một dây chuyền công nghiệp hiện đại thì gây ra chệch choạc. Đó là cái khó khăn đầu tiên của một DN đến Quảng Nam đầu tư phát triển công nghiệp. Dù vậy, các DN đều xác định được cái khó ấy và cố gắng đào tạo nông dân chân đất trở thành công nhân có tác phong công nghiệp.
Việc đào tạo NLĐ đã được thực hiện hằng ngày tại mỗi DN. Quá trình vừa học vừa làm của NLĐ dù gây không ít khó khăn cho DN nhưng đây chính là nền tảng góp phần phát triển DN trong tương lai. Ông Diệp Thế Trí, Giám đốc Hành chính - nhân sự, Công ty TNHH liên doanh May Như Thành (Núi Thành), cho biết: “Lúc mới vào năm 2007, tác phong công nghiệp của NLĐ là điều khiến chúng tôi lo nhất. Nhưng chúng tôi tin vào tính cần cù, chịu thương chịu khó của người Quảng, qua rèn luyện thì NLĐ đã hòa nhập được với dây chuyền sản xuất theo từng công đoạn. NLĐ đã hiểu rằng mỗi người là một khâu quan trọng của cả dây chuyền, người này nghỉ thì người kia không có việc làm nên tính làm việc nhóm, tập thể đã được tăng cường hơn”. Ở công ty này, đến bây giờ tình trạng NLĐ nghỉ việc để ở nhà lo đám giỗ, đám chạp, thu hoạch mùa màng vẫn còn diễn ra nhưng ít hơn trước. Chỉ còn một vài cá nhân ý thức chưa cao nên nghỉ việc không xin phép gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của DN.
2. Trong rất nhiều DN mà chúng tôi đã tiếp xúc suốt những năm qua, chủ DN nào cũng gặp phiền hà về tác phong công nghiệp của NLĐ, nhất là những DN về đầu tư tại các vùng nông thôn, miền núi để giúp NLĐ “ly nông mà không ly hương”. NLĐ nghỉ việc riêng không xin phép hoặc xin phép không được đồng ý vẫn nghỉ, khiến công việc chung của cả chuyền sản xuất bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hợp đồng với đối tác. NLĐ chưa quen với tác phong công nghiệp còn làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kêu gọi đầu tư. Ông Nguyễn Đức Lành, Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị chủ đầu tư KCN Điện Nam- Điện Ngọc) cho biết tác phong làm việc của NLĐ nhiều lần khiến chủ DN lao đao theo. Cụ thể như sau đợt nghỉ Tết Quý Tỵ kéo dài, nhiều công nhân vẫn vào làm việc lại theo đúng lịch của các công ty. Nhưng tại Công ty TNHH Việt Vương 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc), vào ngày 12 tháng giêng, công nhân chỉ làm buổi sáng, buổi chiều đồng loạt bỏ đi chơi vì vẫn còn không khí tết. Ban Giám đốc công ty phải động viên, kêu gọi NLĐ ở lại làm việc vì đơn hàng đã nhận rồi phải làm kịp tiến độ, nếu ai làm buổi chiều lì xì thêm 100 ngàn đồng. Thế nhưng, NLĐ vẫn không chịu, nhất định bỏ về giữa chừng.
Ông Lành dẫn chứng thêm, trước đây đã kêu gọi được một công ty Hồng Kông vào đầu tư tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Nhà đầu tư đã đồng ý, nhưng phải vào để đào tạo tay nghề cho NLĐ trước rồi mới đầu tư sau. Trong 1 tuần, công ty tuyển dụng được 375 LĐ để đào tạo thử. NLĐ đi học nghề thử được vài ngày, đến hôm Hội An có lễ hội, 250 người bỏ học đi chơi. Nhà đầu tư thấy thế không đào tạo nữa, kéo theo đó bỏ dở dự án đầu tư tại Quảng Nam.
Để có được một lực lượng LĐ hùng hậu phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, bản thân mỗi NLĐ, mỗi DN và các cơ quan chức năng còn có nhiều việc phải làm. Trước tiên, mỗi NLĐ cần khắc phục cung cách làm việc để trở thành một người công nhân mang tác phong công nghiệp hiện đại.
DIỄM LỆ