Trong bối cảnh quan hệ giao thương quốc tế nhiều biến động, nước Nga đang hướng đến việc tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực Đông Nam Á (ASEAN) - một thị trường phát triển năng động và ấn tượng.
Triển vọng phát triển hợp tác kinh tế sâu rộng ASEAN - Nga được các chuyên gia kinh tế dự báo đem lại tiềm năng và lợi ích cho cả hai bên. Thị trường Nga rộng lớn với khoảng 145 triệu dân, là nơi các doanh nghiệp ASEAN có thể xuất khẩu từ trái cây, rau quả, thịt, cá, hải sản đến áo quần, các sản phẩm điện tử mà không cần thông qua các nước trung gian phương Tây. Thương mại hai chiều ASEAN - Nga trong thời gian gần đây đang trên đà phát triển ấn tượng, tăng gấp ba lần từ 6,8 tỷ USD năm 2009 lên gần 20 tỷ USD năm 2013. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Nga vào ASEAN tăng gần 4 lần, từ 140 triệu USD năm 2009 lên 542 triệu USD năm 2013.
Nhiều loại trái cây ở khu vực ASEAN sẽ có cơ hội tiếp cận hiệu quả hơn với thị trường Nga. |
Đối với Nga, hợp tác với các nước ASEAN sẽ giúp đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu sản phẩm thực phẩm và hàng công nghiệp, giảm sự phụ thuộc của nước Nga vào các đối tác phương Tây vốn khó dự đoán (hiện phương Tây và Nga cấm vận nhiều mặt hàng của nhau do khủng hoảng Ukraine). Nga cũng có thể xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ của mình vào các nước ASEAN, cũng là nơi để Nga ứng dụng công nghệ năng lượng hay công nghệ hàng không. Qua đó kích thích sự phát triển của ngành sản xuất công nghệ cao ở Nga và khả năng lập ra các trung tâm dịch vụ ở khu vực ASEAN.
Để hoạt động thương mại của các doanh nghiệp Nga thành công ở khu vực ASEAN, Nga tiếp tục đào tạo chuyên gia tìm hiểu về ngôn ngữ, phong tục, truyền thống và cả tâm lý của người dân ASEAN. Song, một trong những trở ngại lớn hiện nay mà cả ASEAN và Nga đều quan tâm là việc thiếu hụt thông tin giữa cả đôi bên. Nhiều kiến nghị được đưa ra, trong đó có việc tăng số lượng sinh viên châu Á trong các trường đại học Nga, như đào tạo các chuyên gia tiếng Nga. Đồng thời việc khôi phục lại truyền thống đào tạo sinh viên châu Á trong các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học và nhân văn đang được phía Nga quan tâm xem xét. Ngược lại, các nước ASEAN cần phải được giải thích về những luật chơi trong thị trường Nga.
Việt Nam - đất nước mà Nga có mối liên hệ hữu nghị lâu đời và hợp tác toàn diện đang sẵn sàng để trở thành “cửa sổ” để Nga đến với khu vực ASEAN, cũng như để ASEAN hội nhập với Nga và các nước ASEAN liên kết với nhau có thể mang lại cho nhau những gì? Và cần phải làm những gì để tăng cường và mở rộng các mối quan hệ với họ? Đây là vấn đề được thảo luận tại hội nghị quốc tế được tổ chức hồi giữa tháng 9 vừa qua ở Hà Nội: “Phát triển hợp tác với ASEAN và Việt Nam với Liên bang Nga: Thực tế và triển vọng”. Còn tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga” được tổ chức tại Nga mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định rằng: “Các doanh nghiệp Nga vào Việt Nam không phải chỉ có cơ hội đầu tư tại Việt Nam mà còn có thể coi Việt Nam như một cầu nối giữa Liên bang Nga với cộng đồng 10 nước hiệp hội ASEAN với trên 600 triệu người tiêu dùng”.
QUỐC HƯNG