Cầu treo qua suối

TẤN VỊNH 09/03/2013 08:57

Cầu treo truyền thống mang nét đặc thù địa phương, là công trình của cộng đồng mang đậm tri thức văn hóa bản địa được nhân dân dựng lên không tốn nhiều tiền của nhưng hiệu quả rất cao.
Miền núi có nhiều sông sâu, vực thẳm gây khó khăn trong việc đi lại, nhất là mùa mưa lũ. Để giúp việc đi lại thuận lợi, đồng bào đã sáng tạo những cây cầu, trong đó phổ biến nhất là cầu treo. Đây là phương tiện đi lại không thể thiếu của cư dân vùng Trường Sơn và bắc Tây Nguyên. Đặc biệt, người Xơ Đăng, Giẻ Triêng ở sườn đông và tây núi Ngọc Linh là những tộc người rất am hiểu về kỹ thuật, kinh nghiệm làm cầu treo.

Vắt vẻo giữa không trung.
Vắt vẻo giữa không trung.

Gọi là cầu treo vì không hề có trụ ở giữa và được vững chắc nhờ các sợi dây mây lớn buộc chặt vào các gốc cây ở đôi bờ. Do đó, muốn có chiếc cầu treo bền chắc người ta phải chọn nơi có cây lớn, nhánh to tỏa ra phía dòng suối. Nếu thân cây được làm trụ giằng giữ, chịu lực cho chiếc cầu thì các nhánh cây lớn có tác dụng kéo chiếc cầu lên để khỏi bị chùng võng. Ở những đoạn suối nông, người ta không làm cầu treo mà đặt một chiếc cầu đơn sơ. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc thường lấy đá rọ lại giữa dòng suối làm chân cầu rồi bắc vài cây gỗ dài làm thân cầu để tạm đi lại.  Để an toàn, nhất là cho người già và trẻ em, đồng bào làm tay vịn chắc chắn ở phía bên trên. Loại cầu này tương đối dễ làm. Chỉ có cầu treo đòi hỏi kỹ thuật cao, tính toán kỹ lưỡng để sử dụng được lâu dài và an toàn cho bà con khi đi lại.

“Chiếc võng” của chúng em.
“Chiếc võng” của chúng em.

Cầu treo được làm từ vật liệu sẵn có như gỗ, tre nứa, dây mây. Trong đó, dây mây quan trọng nhất nên có nơi người ta gọi cầu treo là “cầu mây”. Trước đây khi chưa có cầu treo bằng sắt thép, đồng bào miền núi đã dựng nên những chiếc cầu treo chỉ bằng vật liệu mây, tre, gỗ dài cả trăm mét bắc qua sông rộng. Người Xơ Đăng, người Co dùng loại dây mây nước thân to như cán rựa căng qua sông để làm cầu. Mây re xpót là loại mây không chỉ to mà còn rất dài, chắc, có thể dùng làm dây cầu kéo từ đầu này sang đầu kia cả trăm mét mà không cần chắp nối. Khi hai trụ ở mỗi bờ được dựng xong, người ta dùng cây, dây căng ngang để làm điểm tựa cho giăng dây mây qua cầu. Thông thường mỗi cầu có 2 dây mây lớn căng dọc qua suối làm  khung chính, sau đó là 7 dây phụ bám theo nhau từ trên xuống dưới. Các nan mây chẻ làm sợi ngang, đan vào các dây mây dọc để giằng giữ và liên kết  với nhau. Ở đáy cầu làm lối đi, có 3 dây mây ghép phẳng; hai bên càng lên cao thì càng rộng, vừa đủ tầm tay để người nhỏ vịn phía dưới, người lớn vịn phía trên khi đi lại. Ở hai mố cầu thường có thang bắc, thuận tiện cho việc lên xuống. Thang này thường bằng một đoạn cây có đẽo khấc tựa như thang lên nhà sàn. Người dưới xuôi lần đầu đi qua cầu treo có cảm thấy thú vị bởi nó chòng chành, rung rinh theo nhịp bước. Nếu phía dưới là vực sâu thăm thẳm thì lại có cảm giác... hơi sợ hãi.

Cầu treo bắc qua vực sâu.
Cầu treo bắc qua vực sâu.

Về hình dáng, cầu treo giống như cái võng treo giữa dòng suối. Mắt võng rất dày nên trẻ em thường đến đây vui chơi mà không sợ nguy hiểm. Một bên cầu treo là làng bản, bến nước, nơi diễn ra cuộc sống sinh hoạt của con người. Cây cổ thụ vừa làm trụ để căng dây cầu vừa làm đẹp cảnh quan, tỏa bóng mát cho bản làng, cũng là nơi người đi rẫy dừng chân nghỉ hóng gió. Vào những ngày không đến lớp, trẻ con vui chơi, nô đùa bên bờ suối - nơi có chiếc cầu treo bắc qua. Hình ảnh bắt mắt này luôn gây cảm xúc cho những nhà nhiếp ảnh, hoạ sĩ, nhà văn về đề tài vùng cao.

Cầu treo mới bằng sắt của Nhà nước đầu tư.
Cầu treo mới bằng sắt của Nhà nước đầu tư.

Ngày nay, ở các thôn bản định cư, vùng thấp, Nhà nước đã xây dựng cho dân nhiều chiếc cầu treo bằng sắt thép kiên cố, nên “cầu mây” truyền thống hầu như không còn nữa. Những chiếc cầu treo hiện đại như thế đã mang lại diện mạo mới cho thôn bản. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện xây dựng cầu treo bằng sắt thép. Khi có lũ lụt, loại cầu này rất hữu dụng, có thể nhanh chóng khắc phục tình trạng bị chia cắt, cô lập. Những chiếc cầu treo vẫn bắc trên đường lên rẫy về làng, giữ mạch máu lưu thông, đưa sản vật địa phương về vùng thấp, hay chuyển hàng hóa lên vùng cao...

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu treo qua suối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO