Những ngày qua, cán bộ và nhân dân thôn Phước Mỹ 3 (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) ngập tràn niềm vui. Bởi, cây cầu với thiết kế kết cấu bằng bê tông cốt thép bắc qua sông Bà Rén, nối 2 ngôi làng Tân Tây - Mỹ Long mà bao đời nay nhiều người mơ ước đã được khởi công xây dựng. Để công trình này thi công, hàng chục hộ dân đã tự nguyện hiến khoảng 13.000m2 đất ở, đất vườn, đất sản xuất.
Nhà thầu đưa vật liệu và các loại phương tiện máy móc vào thi công công trình. Ảnh: VĂN SỰ |
Bao đời gian khó
Trưa tháng 4, nhiều người dân ở thôn Phước Mỹ 3 vẫn đội nắng xem nhà thầu đưa vật liệu và các loại phương tiện máy móc vào công trường thi công. Đứng trên nổng đất cao của làng Mỹ Long, chỉ tay về phía ngôi làng nằm ở bờ nam con sông Bà Rén, ông Nguyễn Thinh - Trưởng ban Dân chính thôn Phước Mỹ 3 nói, trong kháng chiến chống Mỹ, Tân Tây là ngôi làng cách mạng. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, người dân Tân Tây vẫn bám đất, bám làng mưu sinh. Nhưng, suốt 42 năm nay, do cảnh sông nước cách trở nên cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Theo lời ông Thinh, làng Tân Tây hiện có 70 hộ dân với khoảng 280 nhân khẩu, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, hàng chục năm qua việc canh tác của người dân địa phương hết sức gian truân vì toàn bộ 23ha đất lúa và đất màu đều nằm bên làng Mỹ Long thuộc bờ bắc sông Bà Rén. Lâu nay không có cầu nên muốn gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản, người dân Tân Tây phải đi lại vô cùng vất vả.
Công trình cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu bắc qua sông Bà Rén, nối 2 làng Mỹ Long - Tân Tây do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí được phê duyệt là 12 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp trúng thầu 10,9 tỷ đồng; thời gian thi công dự kiến 8 tháng. Ngoài đường dẫn ở 2 đầu cầu có tổng chiều dài 214m, cầu gồm có 8 nhịp với chiều dài 197m, mặt cắt 3,5m (trừ phần lan can mỗi bên 0,25m, trong lòng rộng 3m); riêng ở giữa cầu có một nhịp dài 24m, rộng 6m để làm đoạn tránh cho ô tô đi ngược chiều. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hằng ngày bên làng Tân Tây có ít nhất 150 lượt người là nông dân, công nhân, học sinh… qua phía bờ bắc sông Bà Rén để sản xuất, lao động, học tập. Để đi lại, từ năm 2000 trở về trước, cán bộ và nhân dân làng Tân Tây cùng nhau góp của, góp công làm cây cầu tre bắc qua sông Bà Rén. Nhưng mỗi năm, khi lũ từ thượng nguồn đổ về thì cây cầu tre bị phá nát, buộc họ phải làm lại cầu. Cũng vì lẽ đó, năm 2001 chính quyền thị trấn Nam Phước hỗ trợ thôn Phước Mỹ 3 làm chiếc cầu phao bắc qua sông Bà Rén với tổng chiều dài 190m, nối 2 làng Mỹ Long và Tân Tây. Tuy nhiên, chiếc cầu này chỉ có thể sử dụng trong mùa nắng, còn mùa mưa bão phải tháo dỡ vì sợ lũ cuốn trôi. Ông Nguyễn Thinh chia sẻ thêm: “Vì cả cầu tre lẫn cầu phao đều được làm khá tạm bợ nên từ trước đến nay có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra. Cũng đã có 2 trường hợp bị rơi xuống sông chết đuối”.
.
Vỡ òa niềm vui
Tình cảnh khó khăn của người dân làng Tân Tây lâu nay đã được Báo Quảng Nam và rất nhiều cơ quan báo chí khác phản ánh; chính quyền địa phương cũng liên tục kiến nghị với cấp trên để sớm tìm hướng tháo gỡ. Sau bao năm chờ đợi, cách đây không lâu Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định đầu tư xây dựng cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu bắc qua sông Bà Rén, nối 2 làng Mỹ Long - Tân Tây của thôn Phước Mỹ 3 và nay công trình này đã được khởi công xây dựng. Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước chia sẻ: “Hôm nhà thầu tổ chức lễ động thổ xây dựng cầu, không chỉ hàng trăm người dân mà cả lãnh đạo địa phương cũng mừng đến rơi nước mắt. Có cầu, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân và chuyện học hành của con em làng Tân Tây cũng như một số vùng khác thuộc xã Quế Xuân 1 của huyện Quế Sơn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, cây cầu hoàn thành sẽ tạo động lực rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở thị trấn Nam Phước nói riêng và huyện Duy Xuyên nói chung”.
Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm, để phục vụ cho việc thi công cây cầu kiên cố này, 26 hộ dân ở làng Tân Tây đã tự nguyện hiến 13.000m2 đất. Ông Hưng nói: “Một điều khiến tôi khá bất ngờ là, trước ngày khởi công xây dựng công trình, những hộ dân tự nguyện hiến đất sản xuất đồng loạt nhổ phá các ruộng đậu phụng sắp đến kỳ thu hoạch và nhiều giàn bí đao, dưa leo đang lủng lẳng trái non để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhưng họ vẫn cười rất tươi. Dường như, với họ, niềm vui có được cây cầu vĩnh cửu này lớn gấp vạn lần những ruộng đậu, bí, dưa ấy”. Ông Lê Văn Dũng - một người dân ở làng Tân Tây chia sẻ: “Gia đình tôi có tổng cộng 10 sào đất sản xuất lúa và hoa màu bên làng Mỹ Long. Khi nghe các đơn vị liên quan thông báo 4 sào đất màu của tôi bị ảnh hưởng bởi việc thi công tuyến đường dẫn phía bắc, tui liền tự nguyện đăng ký hiến hết, không đòi hỏi gì chuyện bồi thường thiệt hại. Nói thật, lâu nay, với việc sản xuất 2 loại cây bí đao và dưa leo theo hướng hàng hóa trên 4 sào đất đã hiến, bình quân hàng năm gia đình tôi thu được không dưới 80 triệu đồng. Dẫu việc hiến 4 sào đất màu đã và đang sản xuất rất hiệu quả đó là một mất mát khá lớn, nhưng gia đình tôi biết rằng cái lớn hơn, cái cần hơn, cái bức thiết hơn là có được cây cầu vĩnh cửu để cuộc sống của gia đình tôi và rất nhiều hộ dân khác trong vùng không còn vất vả như mấy chục năm qua”.
NGUYỄN SỰ