Cây giáng sinh

NGUYỄN ĐIỆN NAM 23/12/2013 08:37

Nghe trời lành lạnh trước thềm giáng sinh, bỗng hiện một trời kỷ niệm…

Ngày bọn học trò chúng tôi còn học ở Huế, vào dịp Noel, cái lạnh xứ Huế như cắt vào da thịt. Đã nghe rét mướt luồn trong gió… và cái đói nữa. Thời mà bao cấp vừa qua, đổi mới thì lưng chừng, học trò nghèo mang khoai chà ra lót lưng chia nhau từng muỗng chống đói là sang rồi.

“Sống trong sợ hãi” vì cái đói, được bữa nào hay bữa ấy, nên chờ đợi lễ lạt. Huế là đất của lễ lạt. Ngày rằm, mùng một, người Huế cúng tứ chiếng, trong nhà, ngoài miếu, ngoài am… Bọn sinh viên xứ Quảng rủ nhau đi “sửa ti vi”, ấy là lùng sục các am miếu để kiếm xôi oản. Có bận cả bọn mang về một bao cát đựng mớ chuối còn xanh, luộc ăn chát xít chân răng. Còn mỗi dịp Noel, nhà thờ Phủ Cam có người chị làm ban nghi lễ học ghi danh Đại học, mời một bữa tiệc. Chao ôi, bánh và rượu vang,… Noel, Chúa giáng sinh, còn chúng tôi như được tái sinh, ấm bụng ấm lòng. Khí thế hăng, có đứa chạy tuốt lên Ngự Bình, thậm chí lên cả đồi Thiên An, bẻ nhánh thông về trang trí trong phòng nhỏ ở ký túc xá, rồi góp nhau ít tiền mua đường, đậu nấu chè, mua ít kẹo, vài điếu thuốc thơm. Bữa tiệc thời sinh viên chỉ vậy mà thành chuyện nhớ hoài.

Hình ảnh cây thông quá quen nhưng chúng tôi phải rất lâu mới biết đó là cây giáng sinh mang theo bao chuyện đẹp trong Kinh thánh, trong lòng bà con xứ đạo. Chuyện truyền rằng vào thế kỷ VIII, thánh Boniface, trên đường hành hương tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ ngoại đạo sùng bái đang tập trung quanh một cây sồi lớn, dùng một cháu bé để tế thần. Để cứu đứa bé, Boniface đã hạ gục cây sồi bằng một quả đấm. Lễ tế thần bất thành, tại chỗ cây sồi ngã đổ đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ ngoại đạo rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. Có truyền thuyết khác lại kể rằng, vào một đêm Noel rất lâu rồi, một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà gặp một đứa trẻ bị lạc đang lả đi vì đói. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã dành lại cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Vào buổi sáng khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây thông đẹp lộng lẫy ngoài cửa, lấp lánh ánh vàng giăng mắc. Hóa ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang. Chúa đã tạo ra cây để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.

Sau những năm trần mình trong đói lạnh xứ Huế, bao cô cậu sinh viên ngày xưa tản đi khắp mọi miền. Có người về xứ Quảng, dừng chân bên các  xóm đạo ở Trà Kiệu, Tam Kỳ, hay Thuận Yên… hẳn khôn nguôi ký ức về câu chuyện người tiều phu và cây thông, cây giáng sinh. Ở Việt Nam, cây thông hiện diện khắp nước, từ ngàn thông Đà Lạt, Huế và nhiều vùng đất nữa. Ở xứ Quảng lắm bão dông, cây thông từng bén rễ ở Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Bồ Bồ, Tiên Phước, Núi Thành… Sau cơn bão quăng quật vừa rồi, nhiều cây thông gãy đổ, nhựa ứa như giọt máu đặc keo. Có lẽ cây cũng như người, “còn da lông mọc, còn chồi xanh cây”, qua bão dông gượng dậy, đón Noel rồi đón tết…

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây giáng sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO