Cuối tuần rồi, ra huyện Duy Xuyên nắm bắt tình hình tiêu thụ nông sản, Tư Ruộng tranh thủ ghé cánh đồng Bà Thụ để hỏi chuyện làm ăn và thăm lão nông Nguyễn Văn Kiệm ở thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước. Bác Kiệm cho biết, cuối tháng 9.2013 mua tre về dựng giàn rồi trồng mướp trên một sào đất trước đây canh tác lúa. Nhờ cần mẫn chăm sóc, nguồn giống chất lượng, nước tưới dồi dào, các loại sâu bệnh nguy hiểm không bùng phát nên ruộng mướp phát triển rất tốt. Bác Kiệm không giấu được niềm vui: “Từ đầu tháng 12 dương lịch năm ngoái đến nay tui hái được 1.300kg quả rồi. Nếu tính bình quân 1kg bán với giá 16 nghìn đồng thì đã bỏ túi gần 21 triệu đồng. Tuy bây giờ giàn mướp đã thưa trái nhưng tui chắc chắn trong thời gian tới sẽ kiếm hơn 2 triệu đồng nữa mới nhổ phá dây”. Như vậy, vụ mướp này tổng số tiền mà bác Kiệm thu về ít nhất là 23 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho việc mua tre làm giàn, hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ tốn chừng 1 triệu đồng. “Hồi trước, làm lúa trên sào đất này, nếu trúng mùa lắm tui gặt được 300kg khô, bán với giá 6 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt 1,8 triệu đồng. Sau khi trừ vốn đầu tư, lãi ròng 1 triệu đồng là cao tay. Chừ trồng mướp, số tiền lời tăng hơn 20 lần so với lúa” – bác Kiệm phân tích.
Đem chuyện đó kể cho ông Lê Trung Ánh – Tổ phó Tổ sản xuất rau quả an toàn của thôn Lang Châu Bắc, Tư tôi nhận ngay cái gật đầu. Ông Ánh cho biết, nhờ trồng sớm nên lúc bác Kiệm thu hoạch mướp rộ đúng vào thời điểm cận Tết Giáp Ngọ, do đó bán rất được giá vì nhu cầu của thị trường tăng cao. Theo tìm hiểu của Tư tôi, vụ này nông dân thôn Lang Châu Bắc sản xuất 60 sào mướp chuyển từ đất lúa sang, hiện nay đang hái bán đồng loạt. Bây giờ, thương lái thu mua mướp tại ruộng với giá bình quân 1kg là 7 nghìn đồng, tuy thấp hơn so với cách đây 2 tháng nhưng nhà nông cũng thấy hài lòng. Ông Ánh nói: “Đông xuân trước, do thời tiết quá khắc nghiệt, sâu bệnh lại gây hại nên năng suất mướp đạt rất thấp, mỗi sào chỉ hái được 1.200 - 1.300kg quả tươi. Vụ này, nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, sản lượng mướp tăng lên 1.500kg/sào. Hồi giữa tháng 3 năm ngoái, giá mướp chỉ nằm ở mức 3 nghìn đồng/kg, còn nay đã nhích lên 7 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, thời gian qua nhà nông cũng thấy rất dễ thở vì giá phân bón, thuốc trừ sâu vẫn ổn định chứ không có nhảy vọt như những mùa trước”. Với sản lượng và giá bán như vừa nêu, đông xuân này trồng một sào mướp nông dân nơi đây thu về 10,5 triệu đồng, trừ các khoản chi phí thì lãi ròng 9,5 triệu đồng. Nếu đem so sánh với việc canh tác lúa thì rõ ràng hiệu quả kinh tế mà cây mướp mang lại tăng hơn 8 lần.
Vụ này nông dân tại nhiều nơi của xứ Quảng đang rất vui vì mướp được mùa, được giá. Nhiều nơi, cây mướp còn “trả nợ” cho nhà nông. Nhưng, không ít người lo rằng thực tế lâu nay việc sản xuất cây mướp nói riêng và các loại cây trồng cạn khác nói chung không có tính bền vững. Bởi, sản lượng cao hay thấp thì hơn một nửa do ông trời quyết định, còn giá bán sản phẩm thì nhà nông không thể định đoạt. Vì thế, cái chuyện được và mất bấp bênh.
TƯ RUỘNG