Con thương yêu!
Vậy là con đã bước hẳn vào năm học mới. Lá thư này ba viết cho con để nhắn nhủ đôi điều, rằng để con tiếp tục cuộc hành trình học tập, nhiều năm tháng qua, ba mẹ đã không quản bao khó khăn mưa nắng lo cho con từng cuốn tập, chiếc bút, tấm áo mới... Trước khi vào lại trường, con có vẻ không vui vì không được sắm đôi giày mới. Nhưng ba chắc con cũng không lấy đó làm điều buồn mà trách móc ba mẹ, vì vụ mùa này thất bát. Lúa hè thu của nhà mình bị rầy đốt cháy nhiều quá. Trên cánh đồng Điện Nam, Điện Ngọc, và một số cánh đồng nữa ở Quảng Nam, nhiều bà con cũng bị cảnh như nhà mình, ôm những bó rạ khô cháy mà rầu. Con tính, sào ruộng chỉ còn 30 ang, bán được non triệu bạc, trong khi tiền công kêu máy gặt hết gần 200 ngàn đồng, rồi tiền giống, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công cày bừa, gieo sạ… Kể như công khó trong gần 3 tháng qua không kiếm được đồng nào. Nhà cũng nuôi mấy con heo nhưng heo con chỉ bán được mỗi con hơn trăm bạc thôi à. Nói sơ vậy chắc con hiểu nhà nông mình đang cơ ngặt, đồng tiền không mấy rộng rãi, phải hà tiện chi tiêu để cho con được theo học đặng tìm cách thoát được kiếp nghèo.
Con yêu!
Kể chuyện gia cảnh vậy, nhưng lòng ba mẹ không muốn con phiền muộn mà xao lãng việc học hành. Nhà mình nghèo mà cũng chưa đến nỗi. Ba nghe người ta kể có nơi nhà học trò nghèo chỉ sắm được cho con đôi dép mới đến trường, lại bị thầy giáo cắt quai mà chua xót quá. Ba cũng thấy trên báo đài kể chuyện một người cha chui rúc trong ống cống mà nuôi con ăn học đậu thủ khoa mùa thi vừa qua. Nhiều nơi ở miền núi cao, học trò không có cơm ăn, áo mặc, thèm miếng “cơm có thịt”, lại phải ra rẫy lên nương, bỏ học giữa chừng. Vậy nên, dù nhà mình còn nghèo con cũng phải cố gắng, hãy nhìn người khó hơn mình mà rèn thêm sức chịu đựng, suy ngẫm về con đường còn nhiều chông gai phía trước.
Con thương của ba!
Con đã nhiều lần muốn xin nghỉ học về phụ giúp gia đình nhưng ba mẹ không đồng tình. Ừ, đúng là cái khó bó cái khôn, cái nghèo làm eo sự học nhưng ba mẹ muốn con không dừng việc học vì con đường của con phải khác ba mẹ. Con có học xong về làm ruộng thì cái đầu óc của con cũng sẽ tìm được cách mở mang cơ nghiệp cha ông. Ba mẹ nào mong con học để làm quan trạng gì, nhưng thời buổi bây giờ không có kiến thức, tri thức thì có khác chi thời trước mù chữ. Có cái chữ, hiểu điều hay, sống có nghĩa có nghì và tìm được con đường vươn lên tự lập cuộc sống, đó là điều ba mẹ trông mong ở con. Ba cũng nghe người ta vẽ chuyện chạy điểm, chạy trường hầu kiếm cái thành tích hư danh. Ba mong con suy nghĩ là chỉ cái học thực chất mới có thực tài, sẽ làm bệ đỡ cho mình suốt cuộc đời. Rồi mai kia, chính con chứ không phải ai khác sẽ tự nuôi con mình và con sẽ ngẫm ra một điều: Chỉ có lòng ngay thẳng, trung thực, tri thức văn hóa mới giúp người ta đứng vững, thành người. Cho nên, dù nhiều nơi đạo đức xuống cấp, nhiều chuyện bê bối xảy ra trong ngành của các “ông thầy” (thầy giáo, thầy thuốc), con cũng phải lưu tâm luôn nghĩ ba mẹ mình là nông dân ít chữ nhưng vẫn trọng người hay chữ, giữ gìn nếp sống có nghĩa có nhân.
Ba luôn yêu con và con hãy cầu mong ba luôn mạnh khỏe để “làm con ngựa” đưa con đi suốt cuộc đời này như ngày nào ba cõng con chạy nhong nhong và hát trên đồng bãi quê hương.
ĐIỆN NAM