Từ tốn, chân chất đôi phần theo kiểu của một nhà nông – hơn là một người kinh doanh. Cứ mỗi bận nghe Vĩnh say sưa kể chuyện nhà cổ, lại thấy vóc dáng, tính tình này, mộc mạc vậy mà hay…
Hay, bởi cái mộc mạc ấy cho người đối diện cảm giác chân thành khi Lê Văn Vĩnh kể về niềm đam mê của mình. Cũng như cái cách anh kiến tạo nên Vinahouse Space – không gian nhà cổ Việt, đủ xanh đủ yên để lòng người đón nhận khi bước vào. Phải chân thành với từng ngạch cửa, nếp nhà, vuông sân, mới đủ nhiệt tâm “để ý” đến từng tiểu tiết nhỏ, bắt đầu từ những loài cây Vĩnh chọn đặt trong mỗi căn nhà…
Những căn nhà, “bão dừng sau cánh cửa”
Cái cách Vĩnh chọn vun bồi cho đam mê theo kiểu chầm chậm, giản dị dễ khiến người khác cảm ở anh sự lành hiền. Cả một không gian rộng Vĩnh dựng nên, bắt đầu từ hơn 10 năm trước, mang theo tinh thần từ tốn ấy. Không kiếm tìm những điều độc lạ cho số đông, Vĩnh bày ra đó những ngôi nhà gỗ nâu mộc, với những câu chuyện đời thực dung dị, những hoài niệm quê nhà mà bất cứ ai cũng đeo mang. Và dĩ nhiên, càng giản dị mộc mạc, càng mang hơi hướm của những ám ảnh ấu thơ, càng dễ khiến người ta xúc động. Trong buổi chiều muộn, khi nắng vừa tắt trên mái tranh xưa, khi khói vừa hun bay lên sau chái nhà, bỗng dưng những xúc cảm xưa xa ùa về. Hay buổi đầu ngày, khi nắng vàng vừa kịp trải ấm trên những tàn cây xanh, khi gió lùa chậm rãi dọc những lối đi, tường lang, người biết lòng mình đã vừa trở về… Cứ vậy, Vinahouse của Vĩnh đủ bình lặng để người biết da diết chuyện quê hương, và cả chuyện những nếp nhà, còn mất…
Tổ chức đào tạo và sản xuất những ngành nghề truyền thống tại Vinahouse Space.Ảnh: SONG ANH |
Mở ra một câu chuyện về nếp nhà, là sự bình yên lành lặn dành chỗ để người ta trở về, là nơi mà khi bước qua ngạch cửa, phải cẩn thận cúi đầu. Những ý niệm thâm sâu trong văn hóa nhà Việt, nhưng trong câu chuyện của Vĩnh, mọi thứ cứ nhỏ nhẻ, len lỏi, có chuyện vui và cả những nỗi buồn. Như cái kiểu “một căn nhà, bão dừng sau cánh cửa” của nhà thơ Bằng Việt, tôi đa mang nghĩ có lẽ ít nhiều Vĩnh cũng mang tâm tư đó, khi một lòng thành thật giữ lại nguyên bản những nếp nhà xưa. Cứ một hai giữ cho bằng được, từ trỏng bí nơi đầu hồi đến vì kèo, trính cột đã mối mọt theo thời gian. Những căn nhà còn chủ cũ, ngay trên đất quê hương, vì không đủ điều kiện để giữ lại, họ giao cho Vĩnh, như một xác quyết rằng, về với Vĩnh, đứa con họ sẽ bằng an. Nên có lẽ, hơn 30 nếp nhà cổ của miền Trung, miền Bắc, miền Nam tụ hội tại Vinahouse Space, nay là Bảo tàng Nhà cổ Việt Nam, đều mang trong mình nó ít nhiều những vương vấn của người đi trước. Mà giữ cho được cái “bóng đổ” qua bao dãi dầu thời gian, như Vĩnh nói, giữ lấy phần hồn của mỗi ngôi nhà, khó lắm, khó hơn cả chuyện những được mất của thương trường…
Khơi chuyện nhà cổ với những sinh hoạt truyền thống, những ẩn chỉ văn hóa tượng trưng trong mỗi phong cách nhà của mỗi miền, như khơi trong Vĩnh một mạch nguồn để bao dồn ứ được bung thoát. Anh nói mê mải, về giậu chè tàu trong nhà vườn Huế, về bộ phản đặt trang trọng giữa nhà, về gốc hải đường đặt trong góc sân, về các ý niệm đặt để theo phong thủy… Và tôi gần như quên hẳn đi chuyện Vĩnh là một anh thợ mộc, bây giờ ở hàng ông chủ, chỉ bằng cái tính đã chọn, đã yêu, đã mê say thì phải đi đến cùng. Không học tập bài bản qua trường lớp, chỉ bằng cách kế tục, truyền nghề từ ông nội, từ chú, rồi mày mò bằng thực tế. Vậy mà Vĩnh đủ bản lĩnh để kể cho người nghe về từng mảng miếng văn hóa góp nhặt làm nên ngôi nhà.
Hoài cổ và thức thời
Cuộc đời con người, sao đong lường hết được mọi điều xảy đến với mình, nhất là khi đã trót chọn đi đến cùng với mê đắm. Hành trình ấy, đâu dễ dầu… Bắt đầu tay cưa tay mộc từ những năm 20 tuổi, hơn 15 năm nhìn ngắm lại quãng đường đã đi, Vĩnh nói, nếu được chọn lại, thì thực tâm, anh muốn làm một người thợ hơn một ông chủ. Ông chủ của cơ ngơi khá giả, tuổi chưa tròn 40, đã trải những khắc nghiệt của thương trường, để biết “thu mình” lại và chậm rãi đi. Mỗi tháng thi công vài chục ngôi nhà phong cách thuần Việt trên cả nước, đến nay ước tính có tới 150 nghìn nếp nhà cổ trong và ngoài nước đã qua bàn tay phục dựng của Vĩnh và các cộng sự. Cái tên Vinahouse gắn liền với kiến trúc gỗ tại hầu hết khu du lịch, resort, văn hóa, ẩm thực nổi tiếng từ bắc chí nam. Hỏi còn gì nữa không, trong cái mê say nhà cổ của anh? Vĩnh nói, đến khi nào người Việt mình bước vào đây, và cảm nhận Vinahouse như một ngôi làng lớn, với tiếng đục đẽo, với khói bếp sau nhà, với mẹt bánh đúc bánh nậm, với tô mỳ Quảng chính hiệu.Thì khi ấy, đam mê coi như trọn.
Vinahouse Space – Không gian Nhà Việt rộng hơn 11.000m2 nằm tại cung đường nối kết du lịch Hội An – Mỹ Sơn. Với bộ sưu tập 18 căn nhà cổ nguyên trạng cùng các hạng mục công trình bổ trợ, nơi đây được công nhận là Bảo tàng nhà cổ lớn nhất Việt Nam. Có những ngôi nhà cổ nguyên gốc “độc nhất vô nhị”, như ngôi nhà tam gian tứ hạ (kiểu Quảng Nam) có tới 108 cột gỗ - kỷ lục về số cột gỗ trong một căn nhà - được chuyên gia Nhật Bản đánh giá tuổi đời trên 200 năm. Hay ngôi nhà tre thuần Việt một gian hai chái rộng 70m2 thuộc loại cổ nhất Việt Nam 102 tuổi, của một gia đình ở xã Điện Minh (Điện Bàn) phục dựng trong suốt gần một năm trời. Nền nhà bằng đất sét đầm chặt, các vật dụng trong nhà như thúng, mủng, giần, sàng, cối xay, cối giã, giường còn nguyên. Đặc biệt, tại đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận 5 kỷ lục được xác lập, bao gồm: Bảo tàng kiến trúc nhà cổ lớn nhất Việt Nam; Ngôi nhà sinh thái theo mô hình chiếc nón có mái lợp bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam; Hồ khảm sành có kiến trúc độc đáo nhất được khảm trên 5.000 chiếc đĩa thời Nguyễn; nhà tranh tre thuần Việt cổ; Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam được phục dựng có kích thước lớn nhất và nhiều cột nhất. Bên cạnh đó, Không gian nhà Việt Nam – Vinahouse Space: Bảo tàng kiến trúc – Làng nghề truyền thống – Trạm dừng chân du lịch với cơ sở vật chất cùng chất lượng dịch vụ... đã được vinh danh là “Điểm dừng chân phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam” năm 2014. |
Và Vĩnh, kéo về với mình 13 nghệ nhân, thợ giỏi ở các làng nghề Quảng Nam, “tụ” ở Không gian Nhà Việt để tham gia hoạt động nghề nghiệp. Từ các làng nghề mộc danh tiếng như Văn Hà (Phú Ninh) hay Kim Bồng (Hội An) hoặc nổi tiếng trên lĩnh vực ẩm thực như bê thui Cầu Mống, mỳ Quảng Phú Chiêm…, những người già người trẻ về chung tay với Vĩnh tìm lại một chút hoài cổ. Vừa trực tiếp sản xuất, đào tạo nghề, vừa phục vụ loại hình tham quan trải nghiệm, “vườn” nghệ nhân – như cái cách du khách đặt cho một góc không gian ở Vinahouse, đủ khiến nơi này thêm phần sống động. Chưa kể những “kỷ lục” được xác lập tại Vinahouse, chỉ riêng việc tận dụng những vật liệu thân thiện của thiên nhiên để làm nên những công trình gần gũi, Vinahouse gần như kéo xích lại khoảng cách giữa con người với môi trường xanh.
Trong chừng mực câu chuyện về gìn giữ những giá trị văn hóa xưa, có lẽ Vĩnh ở vai một người tử tế. Tử tế với cách anh làm, tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ trong một gian nhà xưa. Hay tử tế, ngay cách anh chọn bày biện một không gian làng quê Việt, chỉ thuần Việt, với cây cỏ dại mọc xung quanh nhà, với hàng rào khuôn viên chỉ cao lúp xúp đến đầu gối người. Trong bóng vía quê hương xưa xa, không có cảnh cổng cao tường kín, mà chỉ có mắt người trìu mến xuyên qua những hàng rào thưa… Thử đọc lại slogan khi Vĩnh dựng nên Vinahouse, cũng chính là mục đích anh đeo đuổi – “Khơi dậy nếp nhà Việt”, thì đúng rằng con người này, đã thật thà đắm say, trung tín với đam mê của mình.
SONG ANH