Thị trường bất động sản (BĐS) gần như giẫm chân tại chỗ suốt hai năm qua. Doanh nghiệp dè dặt không đầu tư dự án mới do bão hòa cung - cầu.
Trầm lắng
Từ năm 2013 đến nay, ở các địa phương phía nam của tỉnh hầu như không có dự án đầu tư BĐS mới. Các dự án triển khai trước đây, “lượng hàng” vẫn còn tồn kho nhiều; một số nơi dù đã rao bán nhiều năm liền nhưng mới cung cấp ra thị trường hơn 60% nền đất đã khai thác. Công ty CP Phát triển hạ tầng Quảng Nam (thuộc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam) chủ đầu tư dự án khu dân cư An Hà - Quảng Phú (Tam Kỳ) và khu phố chợ Cây Sanh (xã Tam Dân, Phú Ninh) đang sở hữu hàng trăm nền đất. Cách đây hơn hai năm, công ty đã tung ra hàng loạt hình thức kích cầu BĐS, thời điểm đó được xem như một chiến lược kinh doanh “đón đầu” như: người mua chỉ cần đăng ký, nộp tiền một lần là có ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm 5% tổng giá trị lô đất. Khách hàng có thể trả tiền nhiều lần trong năm; nếu có một nửa số tiền mua đất, công ty sẵn sàng đứng ra thế chấp sổ đỏ vay vốn giùm. Người mua xây nhà ngay trong vòng 6 tháng kể từ lúc nhận sổ đỏ sẽ được giảm 2% giá trị lô đất; rủ được nhóm mua từ 5 lô trở lên được giảm 2% giá trị mỗi lô. Tuy nhiên, đến nay còn khoảng 40% trên tổng số nền đất đã khai thác đang chờ… chủ. Khu phố chợ Cây Sanh – xã Tam Dân cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Ông Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc Công ty CP Phát triển hạ tầng Quảng Nam cho biết, do chưa có dự án mới nên doanh nghiệp cũng chẳng nôn nóng “xả hàng”, thậm chí chờ giá lên mới tiêu thụ. Thời điểm này, khu phố chợ Cây Sanh bán ra 30 nền đất, trừ vị trí đắc địa mỗi mét vuông hơn 3 triệu đồng, bình quân chỉ 2 triệu đồng. “Chúng tôi bán theo từng đợt, giá ổn định như mọi năm. Thị trường BĐS có phục hồi nhưng rất chậm” – ông Hạnh nói.
Bất động sản ở Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc vẫn chưa sôi động. TRONG ẢNH: Một góc khu dân cư Ngân Câu – Ngân Giang (Điện Ngọc, Điện Bàn). Ảnh: T.H |
Đất đai trầm lắng nên nhiều khu dân cư ở nội thành Tam Kỳ buộc phải điều chỉnh giá cho phù hợp với thực tế. Nhiều lô đất với diện tích lớn ở khu phố mới Tân Thạnh với giá trị tiền tỷ nhiều năm bán không được, nên chủ đầu tư đành phân nhỏ diện tích cho dễ tiêu thụ. Theo ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ, từ khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, đường Điện Biên Phủ đang “trục trặc” khởi công chưa đúng tiến độ, khiến đất đai ở khu vực An Hà - Quảng Phú chưa thể “ấm” lên. Nhìn chung, BĐS năm 2014 rất khó khăn, hy vọng sẽ nóng lên trong tương lai gần. Năm nay, HĐND tỉnh giao thành phố thu 140 tỷ đồng tiền sử dụng đất, trong đó đơn vị thu 100 tỷ đồng, nhiều khả năng hoàn thành được chỉ tiêu khi thị trường đất đai dự báo đang dần phục hồi.
Thiếu ổn định
Người thu nhập thấp có điều kiện mua đất Phương án bán đất cho người có thu nhập thấp của UBND TP.Tam Kỳ đang được HĐND tỉnh xem xét phê duyệt. Theo ông Trần Đình Đức – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ, hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nhà ở, đất ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn đến nay cơ bản xong, đơn vị thi công đang san lấp mặt bằng. Dự kiến sẽ có hơn 450 nền đất tại khối phố 2 (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) sẽ bán cho người có thu nhập thấp, với mức giá bình quân mỗi nền 180 - 200 triệu đồng. |
Ở Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, nơi có nhiều dự án đầu tư BĐS cũng rơi vào tình trạng cung - cầu bão hòa. Tại phố chợ Điện Ngọc, Công ty CP Đồng Xanh miền Trung đã khai thác 10.000m2 với hạ tầng kỹ thuật đô thị khá hiện đại. Với mục tiêu, phục vụ mọi thành phần khách hàng, nhà đầu tư này có thời điểm rao bán một nền đất rộng 67m2 có giá 176 triệu đồng, trong khi nền 244m2 bán 700 triệu đồng. Giá bình quân mỗi nền chỉ 210 triệu đồng nhưng sức mua của người dân cũng chưa nhiều. Cách biển Hà My (Điện Dương, Điện Bàn) 3km, khu chợ Điện Dương và hơn 100 nền đất được quy hoạch rất đẹp nhưng nhu cầu mua đất ở và phục vụ thương mại nơi đây vẫn chưa thấy có dấu hiệu sôi động.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS trong nước hiện vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển không lành mạnh, thiếu ổn định. Bởi nhiều địa phương cấp phép đầu tư tràn lan khiến nguồn cung BĐS vượt qua nhu cầu sử dụng. Hơn nữa, các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào phân khúc nhà, đất ở nên có sức tiêu thụ chậm. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS có quy mô nhỏ, năng lực yếu vẫn cố tham gia. Thủ tục hành chính rườm rà, làm cho dự án kéo dài. Nhiều năm qua, để “hâm nóng” BĐS, Chính phủ và UBND tỉnh đã định hướng phát triển từng bước đảm bảo thị trường cung - cầu bằng cách điều chỉnh các dự án, giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng cho người có nhu cầu mua nhà, đất ở... Thế nhưng, vì thị trường BĐS thiếu ổn định nên các nhà đầu tư rất ngại huy động vốn phát triển, kinh doanh loại “hàng hóa đặc biệt” này.
TRẦN HỮU