Chăm sóc bệnh nhân tâm thần: Tình thương và trách nhiệm

CHÂU NỮ 19/12/2016 09:52

Cùng với việc quản lý, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần, thời gian qua, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (ĐDNTT) Quảng Nam đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để tạo điều kiện cho người tâm thần sớm hòa nhập cộng đồng.

Bệnh nhân tâm thần tham gia các hoạt động văn nghệ - thể thao và gia công văn phòng phẩm. Ảnh: CHÂU NỮ
Bệnh nhân tâm thần tham gia các hoạt động văn nghệ - thể thao và gia công văn phòng phẩm. Ảnh: CHÂU NỮ

Khó khăn do... đặc thù

Trung tâm ĐDNTT Quảng Nam đang nuôi dưỡng, điều trị, chăm sóc 212 bệnh nhân tâm thần. Hầu hết trong số họ bị tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần mãn tính, đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm. Trước khi được được đưa vào đây, họ sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo. Ngoài ra, còn một số đối tượng tâm thần đi lang thang, hay gây rối trật tự, được địa phương phát hiện và đưa vào trung tâm. Ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, đơn vị hiện có 50 cán bộ, nhân viên, trong đó có 25 nhân viên y tế, hộ lý, bảo vệ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Dù đã được đào tạo, nhưng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần, số cán bộ, nhân viên này đã được đào tạo lại chuyên khoa về tâm thần. Bình thường, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị người tâm thần đã vất vả; chăm sóc những bệnh nhân nặng, bị các bệnh tật khác kèm theo lại càng khó khăn vất vả hơn gấp bội. Không ít trường hợp trung tâm phải cắt cử cán bộ, nhân viên chăm sóc riêng. Như trong mấy tháng qua, các hộ lý phải luân phiên đến đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chăm sóc bệnh nhân N.T.C. (57 tuổi, ở Tam Kỳ) bị ung thư vì bà C. không có người thân.

Việc đưa người tâm thần hồi gia cũng là một vấn đề nan giải đối với trung tâm hiện nay. Ông Ngô Văn - Giám đốc Trung tâm, công tác từ năm 2003 đến nay cho hay, hơn 13 năm qua, chỉ có khoảng 25 - 30 bệnh nhân ở trung tâm về với gia đình, dù một số người đã hết bệnh nhưng không có người đón về. “Việc đưa người tâm thần đi điều trị ở các bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội là cần thiết, nhằm hạn chế họ có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, đối với những người bệnh tình đã thuyên giảm, sau khi phục hồi chức năng có tiến triển tốt, rất cần được gia đình đón về vì tình cảm gia đình là liệu pháp tâm lý giúp người tâm thần nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Hơn nữa, việc này cũng tạo điều kiện cho trung tâm quản lý, tiếp nhận những đối tượng mới” - ông Văn nói. Nhưng, hầu hết người tâm thần được vào trung tâm thuộc hộ nghèo, không nơi nương tựa nên không có, hoặc ít được gia đình quan tâm; cũng có một số gia đình đưa người thân vào trung tâm là xem như hết trách nhiệm nên không một lần thăm nom. Do vậy, dễ hiểu khi có nhiều người hơn 10 năm qua vẫn còn ở lại trung tâm; có người qua đời cũng không được gia đình đưa về lo hậu sự nên cán bộ, nhân viên tổ chức mai táng ở khuôn viên phía sau trung tâm…

Chăm sóc và sẻ chia

Hiện nay Trung tâm ĐDNTT Quảng Nam được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tương đối đầy đủ để phục hồi chức năng cho người tâm thần. Chẳng hạn những đối tượng bị tâm thần phân liệt được tập với các dụng cụ để tăng cường cơ bắp như máy tập tạ, xe đạp… Trung tâm còn có sân bóng chuyền, bàn bi-a, bóng bàn… để bệnh nhân chơi thể thao. Những dịp đặc biệt, trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Nhiều nhóm, hội từ thiện ở trong và ngoài tỉnh cũng phối hợp với trung tâm tổ chức văn nghệ cho bệnh nhân. Bạn Quảng Hạnh, một tình nguyện viên chia sẻ: “Mặc dù tâm trí bệnh nhân tâm thần không bình thường nhưng rất lạ, bao giờ chúng tôi đến, họ cũng chào đón bằng nụ cười và rất thích hát cho chúng tôi nghe”. Có lần, trong một đợt văn nghệ, một bệnh nhân vừa ôm đàn ghi-ta vừa hát rồi nói, cây đàn này vợ anh mua tặng anh khi mới quen nhau nên anh rất quý nhưng không hiểu sao, từ ngày anh vô đây, vợ anh chưa một lần đến thăm. Nghe những tâm sự như vậy, khó có thể nghĩ đây là bệnh nhân tâm thần!

Tình cảm gia đình là điều mà những bệnh nhân tâm thần rất khát khao. Thế nên các cán bộ, nhân viên ở trung tâm luôn chia sẻ với bệnh nhân để bù đắp những thiếu thốn và bất hạnh mà bệnh nhân gặp phải. Chị Lê Thị Ánh, hộ lý, là người gắn bó với trung tâm từ ngày thành lập (năm 2003) đến nay. Chị thuộc họ tên, tính nết, tình trạng sức khỏe của từng người nên biết người nào cần dỗ ngọt, người nào cần trò chuyện… Bệnh nhân tâm thần bị các bệnh khác, điều trị ở các bệnh viện tại Đà Nẵng, chị Ánh và các hộ lý khác cũng theo chăm sóc. Hay như bạn Ngô Thị Phương Linh - Bí thư Chi đoàn trung tâm chia sẻ, ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị, trung tâm đã tìm cách tạo việc làm cho bệnh nhân tâm thần. Đây được xem là một trong những cách phục hồi chức năng nhanh và hiệu quả, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, tìm việc làm cho bệnh nhân tâm thần không dễ bởi khả năng tiếp thu của họ khá hạn chế nên không phù hợp với những việc đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Chưa kể không phải ai cũng tin tưởng giao hàng cho những “lao động đặc biệt” này làm.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Sĩ (SN 1972, Tam Lộc, Phú Ninh) vào trung tâm đã được 6 năm. Anh Sĩ khá tỉnh táo, nhớ rõ họ tên, quê quán, năm sinh, thường ngày anh vẫn đọc báo và chăm sóc rau màu ở trung tâm. Anh bảo được làm việc khiến anh vui hơn và quên bớt nỗi nhớ nhà. Tương tự, anh Lê Xuân Thành (SN 1974, Hà Lam, Thăng Bình) hằng ngày vẫn tập dưỡng sinh, làm hàng mã cùng với cán bộ trung tâm. Theo ông Ngô Văn, tùy theo mức độ bệnh tật, tính cách đối tượng mà đơn vị tổ chức các hoạt động phù hợp. Ví như tổ chức sinh hoạt tập thể, văn nghệ, chiếu phim cho các đối tượng; tổ chức lao động sản xuất, chăm sóc cây, chăn nuôi… cho từng nhóm đối tượng; từ đó, giúp họ từng bước nâng cao sức khỏe, phục hồi trí nhớ… Có thể nói, tình thương và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Trung tâm ĐDNTT Quảng Nam đã giúp cho người tâm thân đang điều trị tại trung tâm cảm thấy yên lòng khi sống ở mái nhà chung.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần: Tình thương và trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO