Chăm sóc sức khỏe cư dân biển

VIỆT QUANG 01/06/2015 08:15

Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển Quảng Nam” (gọi tắt là Đề án 52) vừa được Sở Y tế phối hợp với Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm (2009 - 2014) và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 2015 - 2020.

Việc thực hiện Đề án 52 đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua 5 năm triển khai, đã có 30 nghìn bà mẹ được khám thai, 130 nghìn trẻ em được chăm sóc sức khỏe tại 6 địa phương ven biển của tỉnh là TP.Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ và Núi Thành. Đề án 52 góp phần nâng cao chất lượng dân số thông qua việc phát hiện, can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Hoạt động cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đảm bảo chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo và ven biển.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở xã Tân Hiệp (TP.Hội An).                Ảnh: V. Quang
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở xã Tân Hiệp (TP.Hội An). Ảnh: V. Quang

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Phạm Văn Quyện - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, việc triển khai Đề án 52 trong 5 năm 2009 - 2014 ở các địa phương trên địa bàn huyện đã gặp nhiều khó khăn như công tác lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa được thường xuyên. Sự phối hợp của một số cơ quan, ban ngành trong tổ chức thực hiện đề án cấp huyện còn thiếu đồng bộ. “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhất là tuyên truyền, tư vấn trực tiếp chưa đi vào chiều sâu nên chưa tạo được chuyển biến sâu sắc trong ý thức và tâm lý người dân. Cơ sở vật chất thiếu, giao thông yếu cũng là nguyên nhân khiến cho công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều trở ngại ở các vùng biển, đảo và ven bờ” - ông Quyện nói. Theo ông Phạm Văn Quyện, để Đề án 52 được triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn 2015 - 2020 cần có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Các chương trình, mô hình cụ thể của đề án nên được lồng ghép phù hợp hơn, tuyên truyền bằng trực quan sinh động cho người dân khu vực biển, đảo và ven biển thực hiện. Để tăng cường sự quản lý của Nhà nước cần có các biện pháp hành chính cụ thể.

Bà Bùi Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.Tam Kỳ cho rằng, Đề án 52 được triển khai gặp vướng về tuyên truyền. “Công tác tuyên truyền cần sát hơn với thực tế của từng địa phương riêng lẻ trong khu vực biển, đảo và ven bờ của Quảng Nam. Nội dung, mục đích tuyên truyền cần đi sâu vào các vấn đề cụ thể đang gặp phải ở các địa phương, tránh tình trạng chung chung” - bà Thủy nói. Ông Võ Đình Thiệp, Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Duy Xuyên cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ chuyên trách ở khu vực biển, đảo và ven bờ còn bất cập. Nhiều xã không có bác sĩ nên chất lượng dân số ở nhiều nơi chưa đảm bảo. Vì vậy trung ương và tỉnh cần tăng cường công tác tổ chức, ổn định hơn đội ngũ làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở khu vực biển, đảo và ven bờ. Cùng với đó, cần hỗ trợ kịp thời các sản phẩm và phương tiện truyền thông giúp các địa phương thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền trong thời gian đến.  

Cần đầu tư thỏa đáng

Mục tiêu của Đề án 52 tại Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020 là kiểm soát quy mô dân số ven biển và vùng ngập mặn không vượt quá 917 nghìn người ở năm 2015, không vượt quá 988 nghìn người vào năm 2020. Giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, tăng tỷ lệ người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội ở khu vực biển, đảo và ven biển.

Theo ông Dương Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, kinh phí đầu tư cho Đề án 52 ngày càng bị cắt giảm đã khiến cho hiệu quả của đề án đạt không cao. Ông Ba kiến nghị với Trung ương đầu tư thêm kinh phí cho các hoạt động của Đề án 52. Có vậy thì công tác tuyên truyền mới được cải thiện. Bởi muốn nâng cao nhận thức, chuyển biến tâm lý của người dân thì các sản phẩm tuyên truyền phải được đảm bảo, các phương tiện tuyên truyền lưu động phải được đáp ứng. “Hiện tại, các trang thiết bị chuyên môn như máy siêu âm xách tay, máy xét nghiệm sinh hóa, kính hiển vi còn thiếu nên khó đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở khu vực biển, đảo và ven bờ. Cùng với việc đầu tư thỏa đáng về vật chất, Quảng Nam cũng cần bố trí thêm bác sĩ ở cơ sở và tổ chức giao lưu, học tập, nhân rộng các mô hình phát huy hiệu quả trong thời gian qua” - ông Dương Văn Ba nói.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đã tập trung phân tích đặc thù nghề nghiệp của người dân ở khu vực biển, đảo và ven bờ như quanh năm bám biển nên sự quan tâm và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Bởi vậy, hội nghị đã đề xuất với Trung ương cần có các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề cho phụ nữ vùng biển. Ông Huỳnh Thế Vịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, một số mô hình điểm trong thực hiện Đề án 52 phát huy hiệu quả ở các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, TP.Hội An đã cho thấy tầm quan trọng của mạng lưới cộng tác viên dân số, kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở. “Một mặt Trung ương cần tạo điều kiện về kinh phí để Quảng Nam thường xuyên tập huấn, đào tạo, cập nhật các kiến thức khoa học, kỹ năng chuyên môn, giúp đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở nâng cao năng lực. Mặt khác, đội ngũ công tác viên ở cơ sở cần nắm chắc, hiểu rõ đối tượng ở từng nhóm tuổi, đối tượng cần tư vấn để phối hợp với các đoàn thể, mặt trận tuyên truyền, tư vấn và vận động hiệu quả khi thực hiện công tác được giao” - ông Huỳnh Thế Vịnh nói.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm sóc sức khỏe cư dân biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO