(QNO) – Ngày 2.10, Bộ GD-ĐT có Công văn số 5453/BGDĐT-VP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Nội dung công văn nêu rõ sẽ có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực.
Ảnh minh họa. |
Thời gian qua, qua phản ánh của báo chí và nhân dân, ở một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra việc thu góp trái quy định, ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục, đồ dùng học tập... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình hình đó, đồng thời thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở GD-ĐT phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện một số nội dung. Trong đó nhấn mạnh hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học đảm bảo đúng các quy định hiện hành.
Đối với các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức xã hội hóa để góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, hỗ trợ các hoạt động giáo dục phải thực hiện theo Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10.9.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Thông tư 29, tài trợ cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không quy định mức tài trợ cụ thể đối với các nhà tài trợ. Trong khi đó, các nhà tài trợ không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị dạy - học với sự thỏa thuận và hướng dẫn của cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc thực hiện trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30.5.2014 của liên Bộ GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH; Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT nêu rõ, phải có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục trái quy định.
Theo Thông tư 55, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Đó là các khoản bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Quy định là vậy và trên thực tế, các khoản ban đại diện cha mẹ học sinh thu đều mang danh nghĩa “tự nguyện” nhưng phụ huynh không nộp không được. Tại Quảng Nam, có trường ban đại diện thu quỹ hội trên dưới 100 nghìn đồng/phụ huynh. Với những trường lớn, có cả nghìn học sinh, như vậy, số tiền thu được là không nhỏ. Nộp tiền thì vẫn nộp nhưng nhiều phụ huynh lại băn khoăn, số tiền này có thực sự chỉ dành riêng phục vụ cho việc học của con em họ hay dùng vào mục đích khác, ngoài quy định. Và, một câu hỏi được nhiều người đặt ra, mong nhận được phản hồi từ các nhà quản lý giáo dục là, liệu đây có phải một “biến tấu” của lạm thu hay không?...
CHÂU NỮ