Chân đi để lại con đường...

CHÂU NỮ 12/11/2017 10:38

Nói về Nguyễn Tấn Sĩ, những người thân thiết với anh thường gọi anh là người “3 trong 1”: nhà giáo, nhà thơ, người lính. Ở anh, có sự mô phạm, mực thước của nhà giáo; có sự đa cảm, đa đoan của nhà thơ và có cả tính quyết đoán, bền bỉ vượt khó của một người lính.

1. ĐƯỜNG ĐẾN NGHỀ GIÁO. Nguyễn Tấn Sĩ luôn có ý thức vượt khó trong tư thế của người lính, vừa hết mực yêu thương học sinh bằng trái tim người thầy. Con đường đến với nghề giáo của anh dường như được chuẩn bị sẵn theo kiểu “cha truyền con nối”: ông nội dạy chữ Nho, cha dạy bình dân học vụ những năm chống Pháp. Tình yêu nghề giáo được ông nội, rồi cha anh trân trọng trao truyền cho thế hệ sau, nên lớn lên, chị em anh đều làm nghề dạy học. Riêng với Nguyễn Tấn Sĩ, liên quan đến việc dạy và học có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị: anh kết thúc quãng đời học sinh trung học ở ngôi trường Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) và cũng kết thúc nhiệm vụ giáo dục để nghỉ hưu cũng tại ngôi trường này.
Trong cuộc đời làm nghề dạy học của mình, có đến vài chục năm Nguyễn Tấn Sĩ đảm trách chức vụ hiệu trưởng. Thường, học trò đối với các thầy cô giáo trong ban giám hiệu thì chỉ “kính nhi viễn chi”, nhưng với Nguyễn Tấn Sĩ lại khác. Học trò và anh dường như không có “khoảng cách” ấy, bởi anh luôn tìm cách tiếp cận, đến gần và hòa đồng với học trò để biết các em đang muốn gì... Ngoài lý do trên, có lẽ còn bởi ở “triết lý giáo dục” mà anh luôn theo đuổi. Anh không khuyến khích dạy học kiểu từ chương, chỉ dạy kiến thức giáo khoa đơn thuần, vì như anh nói “như thế thì... chán lắm”. Với anh, giáo dục cần có “lối đi mềm”. Điều cần nhất cho học trò là trải nghiệm thực tế bằng những hoạt động ngoại khóa để kích thích, thúc đẩy việc học sáng tạo ở học sinh.

Có thể nói, ở mỗi ngôi trường đến công tác, Nguyễn Tấn Sĩ đều để lại dấu ấn đặc biệt. Ở Trường PTCS số 1 Tam Dân, đó là việc tổ chức phong trào “chăm sóc và giáo dục con em thương binh liệt sĩ”. Phong trào này sau đó đã được báo cáo điển hình tại Bộ LĐ-TB&XH. Khi chuyển về Trường THCS Nguyễn Huệ (Tam Kỳ), thấy ngôi trường ven đô “thua chị kém em” nhiều quá, hiệu trưởng Nguyễn Tấn Sĩ đã cùng tập thể nhà trường chủ động nghiên cứu và tổ chức “ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học”. Năm 2011, Trường THCS Nguyễn Huệ được công nhận là lá cờ đầu bậc THCS ở Quảng Nam. Còn tại trường THCS Lý Tự Trọng, thầy giáo Nguyễn Tấn Sĩ đã tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn với thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là đưa giáo dục về chủ quyền biển đảo vào chương trình ngoại khóa; phục dựng các giá trị văn hóa quê nhà, tiếp cận giáo dục hiện đại. Và năm 2017 - năm anh chính thức nghỉ hưu, cũng là lúc Trường THCS Lý Tự Trọng được nhận lá cờ đầu bậc THCS tỉnh Quảng Nam, cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

2. BÉN DUYÊN VỚI THƠ. Nguyễn Tấn Sĩ làm thơ từ rất sớm. Khi mới học lớp 4, lớp 5, anh đã mê mẩn với văn chương Tự lực văn đoàn, ám ảnh mãi với những “Hồn bướm mơ tiên” (Khái Hưng), “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam)... Các áng văn bất hủ như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... thì anh từng làm sách gối đầu giường...

Cha anh là người quý sách, yêu văn chương và mê chữ. Ông đã “đầu tư” cho con bằng sách, dù nhà nghèo, thiếu ăn nhưng sách thì không thể thiếu. “Nhiễm” tính ấy từ cha, cộng với tư chất văn chương sẵn có, nên khi là học trò lớp 6, Nguyễn Tấn Sĩ đã có bài đăng trên báo Thằng Bờm. Tới lớp 10, có thơ in thường xuyên trên các tờ Áo trắng, Thời tập, Thời mới... Nhưng đến năm 1982, cái tên Nguyễn Tấn Sĩ mới chính thức được ghi vào thi bạ quê nhà. Lúc bấy giờ, khi đang là giáo viên dạy học ở xã Tam Dân (nay thuộc huyện Phú Ninh), tác phẩm “Bài thơ về cô giáo Tam Dân” của anh được tặng giải thưởng văn học Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây chính là “đầu mối” để anh kết nối với giới văn nghệ quê nhà, và trở thành hội viên chính thức của Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng lúc ấy. Từ đó, anh dần dần được biết đến nhiều hơn, không chỉ trên văn đàn Quảng Nam - Đà Nẵng mà là cả nước, khi anh đoạt giải A của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với tác phẩm “Thao thức trăng suông” và bài “Mẹ của Trần Văn Tẩm” (Tẩm là cựu học sinh của Trường số 1 Tam Dân, hy sinh ở chiến trường K).

3. VÀO LÍNH. Sau khi học ngành sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Tấn Sĩ về dạy học ở Xuyên Mộc, Đồng Nai. Những tin tức đầy máu và nước mắt từ biên giới Tây Nam liên tục dội về, làm cho trái tim của người thầy giáo trẻ kiêm bí thư đoàn trường nhói đau. Năm 1977, ngay khi có lệnh tổng động viên, anh cùng 16 giáo viên khác trong trường tình nguyện đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng rồi chỉ có 2 người được tòng quân, trong đó có anh. “Sau 2 tiết dạy, mình lặng lẽ đến huyện đội để lên quân trường. Và ngạc nhiên đến sững sờ khi đang xếp hàng nhận quân trang, thì toàn bộ học sinh của trường đều có mặt để đưa tiễn” - Nguyễn Tấn Sĩ xúc động kể lại.

Sau 3 tháng quân trường, đơn vị anh đóng tại Bù Đốp, Phước Long, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Mùa Trung thu 1977, đơn vị nhận lệnh đi giải cứu một trường học ở xã Thiện Hưng, Bù Đốp bị Pon Pot vây ráp. Dù tức tốc hành quân xuyên đêm nhưng các anh vẫn không đến kịp. Bùi ngùi, Nguyễn Tấn Sĩ kể: “Đơn vị tôi sau đó không cần ai tuyên truyền động viên thôi thúc; ít nói hơn nhưng trong mắt ai cũng có nỗi căm hờn mỗi lần nhìn qua rừng cao su và hàng cây thốt nốt...”.

4. "GIẢI THƯỞNG" BẤT NGỜ. Đơn vị của Nguyễn Tấn Sĩ đóng quân ở Thiện Hưng, bên kia biên giới là tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Giai đoạn này có nhiều hội, đoàn lên chiến trường thăm và động viên; nhiều phóng viên đến chụp ảnh, viết bài, đưa tin. Nhiều anh lính trẻ tranh thủ xin ảnh của các phóng viên để làm kỷ niệm. Riêng anh thì lò dò ướm hỏi: “Tôi gửi... thơ cho báo được không?”. Được anh em phóng viên nhận lời trong sự hoan hỉ, anh bèn xé vội từ tập vở học sinh viết lại 3 bài thơ làm sẵn rồi giao cho họ.
Chuyện cứ tưởng đến đó là hết. Thêm nữa, do phải hành quân, chiến đấu liên miên nên Nguyễn Tấn Sĩ cũng sớm quên chuyện về 3 bài thơ. Nhưng thật bất ngờ khi hai tuần sau đó, lúc đang lần theo dấu vết kẻ địch trên đường biên, qua đường dây hữu tuyến anh được lệnh chỉ huy yêu cầu về trình diện. Và tại sở chỉ huy, anh bất ngờ, run rẩy mở tờ báo có đăng 3 bài thơ của anh chiếm trọn 1/3 trang. “Lúc này tôi như đang bay trên mấy tầng mây; được tự do hút thuốc và uống trà Bắc Thái. Từ đó, chiến đấu và sáng tác là nhiệm vụ song hành; nó thôi thúc bàn chân tôi qua những vùng đất đau thương của nước bạn như Mondulkiri, Ratanakiri, Kongpong Thom, Siem Reap...” - anh kể. Nhớ lại chuyện cũ, Nguyễn Tấn Sĩ bảo, với anh sự kiện ấy chính là “giải thưởng sáng tác” lớn nhất mà anh từng có...
5. NGHĨ VỀ THƠ. Thời trẻ, Nguyễn Tấn Sĩ gửi bài dự thi thơ ở một số nơi. 1982, lần đầu gia nhập làng văn nghệ và được giải A thơ của ngành giáo dục. Năm 1984 anh được tặng thưởng của Tạp chí Đất Quảng.  Năm 1985 được giải A thơ của Tạp chí  Văn nghệ Quân đội. Bây giờ anh không thích viết thơ để dự thi. Nhưng anh sáng tác thường xuyên, không ngưng nghỉ. Thơ anh được nhiều báo đăng và cái tên “Nguyễn Tấn Sĩ” cũng trở nên quen thuộc với bạn đọc khắp nơi. Sau các tập thơ “Mặt trời và cơn khát” (1981), “Lời hát khẽ” (2003), “Màu rêu lục bát” (2013), năm nay, anh dự định in tập thơ dày dặn hơn - tập “Gió Ba sông”. Tập thơ tập hợp hơn 100 bài thơ viết về Quảng Nam, được anh thai nghén nhờ tiếng gọi thôi thúc của chốn quê nhà..

Nghỉ hưu, nhưng anh không nghỉ. Anh tiếp tục làm tại Hội VHNT TP.Tam Kỳ với chức danh phó chủ tịch. “Tôi yêu mến và muốn cống hiến cho mảnh đất đã sinh ra tôi. Cùng với những công việc khác tại địa phương, tôi chú tâm sáng tác. Với tôi thơ là niềm đam mê không thể dứt bỏ được” - anh thổ lộ. Vâng, thơ đồng hành với anh từ nhỏ và không thể khác được. Anh trải lòng: “Tôi thường nghĩ về thơ như một cuộc viễn du đến những chân trời. Người viết và cả thơ cũng thế. Phải lao vào cuộc sống và chiêm nghiệm nó. Thơ thì phải thay đổi hình thức diễn đạt và cách tư duy. Đó là điều để người làm thơ và thơ tồn tại”.

Giữa những tếu táo, bỡn cợt, nhiều lúc thơ anh lại thao thức với những ký ức chiến tranh, những hồn nhiên học đường, những buồn vui rất đời thường dưới nắng gió Tam Kỳ. Nghiệm ra, cuộc đời anh cũng giống như câu thơ “Chân đi để lại con đường” trong bài “Mùa xuân thường trụ”, bởi những việc anh đã làm, đều để lại dấu ấn...

Trên bục giảng hay khi làm là một nhà quản lý giáo dục, Nguyễn Tấn Sĩ rất nghiêm túc và nguyên tắc; nhưng những vần thơ của anh về tình yêu, về quê hương đất nước thì vô cùng da diết, riết róng hoặc những bài thơ về cuộc sống đời thường thì lại nhẹ nhàng, hóm hỉnh và đôi khi có phần... “cà chớn”. Là bởi, Nguyễn Tấn Sĩ luôn biết khi nào cần dung hòa, khi nào cần tách bạch “3 con người” trong anh, như anh trải lòng: “Làm người lính chiến đấu một cách sư phạm, dạy học bằng kỷ luật theo kiểu nhà binh, làm nhà giáo theo kiểu lãng mạn hay làm thơ “nghiêm túc” quy củ theo tôi đều không nên”.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chân đi để lại con đường...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO