Phiên tòa xét xử vụ án chặt phá gỗ pơmu xảy ra tại khu vực biên giới Nam Giang đã hâm lại dòng thời sự về công tác quản lý, bảo vệ rừng trong mấy ngày qua. Đặc biệt, những thông tin tại phiên tòa còn cho thấy các bị cáo, trong đó có người được giao canh giữ cửa rừng đã vẽ đường đi cho gỗ lậu như thế nào.
Theo cáo trạng, nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang có quan hệ thân thiết với một giám đốc công ty thường xuyên nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Nam Giang. Biết được vị giám đốc này đang cần người tìm gỗ để khai thác nên cuối tháng 3.2016, nguyên đồn phó biên phòng mới chở người có khả năng tìm gỗ ở trong rừng đến để bàn bạc về chuyện khai thác gỗ. Sau khi tìm thấy vị trí có gỗ pơmu ở rừng phòng hộ thuộc xã La Dêê, các bên đã thỏa thuận giá cả và thuê người phá rừng... Dù vụ việc vở lỡ nhưng có thể thấy “quy trình” khai thác gỗ lậu này rất chặt chẽ, có sự phối hợp cả 3 bên là người canh giữ cửa rừng, lâm tặc thứ thiệt và doanh nghiệp vận chuyển, tiêu thụ gỗ. Trong đó, khâu vận chuyển, tiêu thụ gỗ được đánh giá là quan trọng nhất, quyết định cả quá trình chảy máu rừng.
Tìm đường đi cho gỗ đã trở thành một nghề có thể thu lợi lớn nên khiến nhiều người mê đắm. Làm ăn nhỏ như một tiểu thương có xe chạy hàng miền núi, trong một vụ buôn bán mà tôi được chứng kiến đã tiết lộ, phải chuyển về từng cây một mới dễ đi được. Chuyển gỗ lậu theo kiểu tha lâu đầy tổ thì mới dễ cho cả nhiều phía trong việc “ăn nói” khi bị phát hiện. Còn làm ăn lớn thì khi vận chuyển gỗ phải có giấy tờ, tuy nhiên không ít lần tôi được nghe thấy, chuyện giấy má chỉ là “lá bùa” để có thể vận chuyển được nhiều lần, hoặc với khối lượng gỗ lớn hơn thực tế cho phép. Kể cả gỗ lậu từ Tây Nguyên về, đường đi cũng rất trơn tru do đã có những giấy thông hành này...
Đó là những mánh khóe của chuyện làm ăn, tất nhiên lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đã biết được những chiêu cước này và nỗ lực triển khai các biện pháp. Chặn các đường đi của gỗ là nhiệm vụ được xem rất quan trọng của lực lượng giữ rừng, song song với việc nắm bắt địa bàn, giúp dân bảo vệ rừng từ gốc... Một thời, ở các tuyến đường miền núi xuống dễ thấy nhiều gác chắn barie của lực lượng kiểm lâm, sau này được cho là không hiệu quả nên chỉ giữ lại những trạm trên tuyến đường huyết mạch. Tại sao không hiệu quả? Đáng ra nhiệm vụ này phải dễ dàng hơn nhiều so với việc một kiểm lâm phải canh giữ hàng trăm héc ta rừng ở địa bàn phụ trách chứ? Hay không hiệu quả vì dù đã đặt trạm gác nhưng vẫn không chặn được đường đi của gỗ lậu? Một thời dư luận đã đặt câu hỏi rằng gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không thấy, đó là nói khi gỗ đã ở trên đường, chứ giữa đại ngàn thì đúng gỗ chỉ là cây kim thôi. Cho nên việc canh giữ cửa rừng rất quan trọng nhưng chuyện ngăn chặn hiệu quả đường đi của gỗ lậu cũng quan trọng không kém, trong khi đây là khâu yếu của lực lượng giữ rừng và chịu nhiều lời xì xào của dư luận. Nhiều người còn nói hóm hỉnh, đóng cửa rừng thì đúng rồi, nhưng phải ngăn chặn nhiều lối khác bởi ăn trộm thì thường không đi qua cửa!
C.B.L