Chặn đường đi của gỗ lậu

TRẦN HỮU 02/02/2018 14:20

Liên tiếp các vụ vận chuyển, tiêu thụ gỗ trái phép bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Đây là kết quả bước đầu của kế hoạch truy quét, đấu tranh với các hành vi khai thác lâm sản bất hợp pháp trong dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Trạm kiểm soát lâm sản Đại Hồng phát hiện ô tô BKS 43A-257.32 chở gỗ lậu. Ảnh: T.H
Trạm kiểm soát lâm sản Đại Hồng phát hiện ô tô BKS 43A-257.32 chở gỗ lậu. Ảnh: T.H

Ngụy trang chở gỗ bất hợp pháp

Cận tết, lâm tặc thường ngụy trang bằng nhiều hình thức tinh vi để chở gỗ lậu. Gần đây, hàng loạt “phi vụ” vận chuyển gỗ bất thành. Cụ thể, rạng sáng ngày 29.1, trong lúc kiểm tra, lực lượng kiểm lâm của Trạm kiểm soát lâm sản Đại Hồng trên tuyến quốc lộ 14B (Đại Lộc) phát hiện ô tô BKS 43A-257.32 lưu thông hướng Nam Giang - Đà Nẵng chở 14 phách gỗ giổi, chò với khối lượng hơn 1,1m3 nên đã lập biên bản tạm giữ phương tiện để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Chiếc ô tô trên đã tháo toàn bộ ghế ngồi phía sau để chứa gỗ lậu.

Trước đó, chiều 28.1, một chiếc xe tải núp bóng hình thức chở gỗ keo chạy trên quốc lộ 40B hướng Bắc Trà My - Tam Kỳ, khi lưu thông đến đoạn qua xã Tam Dân (Phú Ninh) đột ngột bị lật xuống ruộng. Tại hiện trường, chiếc xe tải này chở  73 phách gỗ lậu nhiều chủng loại với khối lượng gần 9m3. Cách đó 3 ngày, Tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông huyện Thăng Bình (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) do Đại úy Phan Thanh Toàn làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình Tú (Thăng Bình) đã phát hiện xe 16 chỗ BKS 92K-3303 đang lưu thông hướng Tam Kỳ - Đà Nẵng có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nhưng tài xế phóng nhanh bỏ chạy. Sau khi rượt đuổi hơn 3km, tài xế cùng phụ xe đã bỏ lại ô tô trên đường rồi nhanh chân trốn thoát. Tại hiện trường, trên xe chứa 8 phách gỗ với tổng khối lượng khoảng 1,5m3. Vụ việc đã được lập biên bản bàn giao cho lực lượng kiểm lâm tiếp tục điều tra, xác minh.

Từ giữa tháng 1.2018 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị chức năng tại các địa phương mở nhiều đợt cao điểm về tuần tra, truy quét lâm sản, khoáng sản trái phép. Nhưng với diễn biến hiện tại, cho thấy việc đấu tranh với lâm tặc còn rất nhiều khó khăn. Thủ đoạn của lâm tặc quá tinh vi, trắng trợn, trong khi lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết các nẻo đường chở gỗ lậu, đặc biệt triệt phá tận gốc các hành vi xâm hại rừng có tổ chức, quy mô. Theo nhận định của lực lượng chức năng, cận tết, gỗ sau khi khai thác được tập kết ở vị trí thuận lợi trong rừng, sau đó chở bằng ô tô trên quốc lộ 40B, 14B. Về đường thủy, gỗ xuôi theo dòng sông Bung, sông Vu Gia, Thu Bồn…

Cần bảo vệ rừng tận gốc

Theo báo cáo năm 2017 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị đã phát hiện và xử lý 794 vụ (giảm 23% số vụ phá rừng so với năm 2016). Trong đó phá rừng trái pháp luật 55 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 90,6ha (giảm 29 vụ, bằng 34,5%, giảm thiệt hại diện tích rừng 41ha, bằng 31% so với năm 2016), tịch thu hơn 1.240m3 gỗ các loại, tạm giữ 85 ô tô có hành vi chở gỗ trái phép. Ngoài ra, cơ quan kiểm lâm còn khởi tố 25 vụ án hình sự và thu nộp ngân sách nhà nước 7,3 tỷ đồng. So với các năm 2016, năm 2017 số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản tịch thu giảm, nhiều điểm nóng về khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép ở các khu rừng đầu nguồn của công trình thủy điện và các khu rừng đặc dụng đã được kiểm soát.
Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để sản xuất vẫn còn diễn ra phức tạp tại một số địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để. Trách nhiệm của các tổ chức được giao quản lý rừng và của kiểm lâm địa bàn trong phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng khoán đối với diện tích rừng đã giao cho hộ, nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ theo các chương trình, kế hoạch chưa thường xuyên. Hệ lụy là tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên diện tích rừng đã giao khoán vẫn còn xảy ra”.

Ngành kiểm lâm xác định, nhiệm vụ trọng tâm của quý 1.2018 là thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch, đề án về bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt theo hướng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao giá trị sử dụng rừng thông qua việc cải thiện chất lượng giống để tăng năng suất và chất lượng rừng gắn với các chính sách hỗ trợ người dân miền núi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tiếp tục tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Cũng theo ông Tuấn, quý 1.2018 sẽ rà soát quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 đối với rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát khí thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng. Thêm vào đó, cụ thể hóa đề án hiện đại hóa, nâng cao năng lực giám sát rừng bằng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để theo dõi tài nguyên, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, thuê đất, thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ chức cá nhân phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng...

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chặn đường đi của gỗ lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO