Chật chội quốc lộ 14E

CÔNG TÚ 02/10/2018 06:49

Tồn tại nhiều “điểm đen” gây tai nạn giao thông (TNGT), bề mặt chật chội của quốc lộ (QL) 14E còn là “điểm nghẽn” thu hút đầu tư, giải quyết an sinh và nâng cao thu nhập cho người dân.

Mặt đường QL14E quá tải là “điểm nghẽn” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: C.T
Mặt đường QL14E quá tải là “điểm nghẽn” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: C.T

Nhỏ như đường làng

Đi qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn, QL14E dài khoảng 90km có điểm đầu giao với đường ven biển tại xã Bình Minh (Thăng Bình) và cuối cùng tiếp cận đường Hồ Chí Minh (lý trình km1373+000) tại ngã ba Làng Hồi thuộc xã Phước Xuân (Phước Sơn). Cập nhật về hiện trạng, đoạn từ km0+000 - km8+700 (giao với QL1) sở hữu chiều ngang nền 8m, mặt đường kết cấu thâm nhập nhựa rộng 6m; đoạn km8+700 - km11+000 đi trùng với QL1 (ngã tư Hà Lam - ngã ba Cây Cốc, Thăng Bình); nền đường đoạn từ km11+000 - km36+000 (ngã ba Cây Cốc rẽ trái lên hướng tây) rộng 6,5m và bề mặt rộng 3,5m. Hướng lên phía tây, chiều rộng nền đoạn từ km36+000 - km89+432 là 6,5m, mặt đường 5,5m được kết cấu bê tông nhựa từ năm 2002 - 2004; riêng đoạn km83+600 - km89+432 được đầu tư từ năm 2012. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, QL14E đạt tiêu chuẩn cấp VI miền núi. Theo quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, QL14E đạt tiêu chuẩn cấp IV với 2 làn xe, riêng đoạn từ km0 - km8+700 đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe.

Trục ngang QL14E được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau; quy mô đầu tư thấp và tiêu chuẩn kỹ thuật không đồng nhất. Chính vì vậy, qua nhiều năm khai thác, nền đường bị sụt lún, bề mặt nham nhở vô số “ổ gà”, “ổ voi”. Không đồng bộ về bề rộng nền và mặt đường dẫn đến tồn tại một số “nút thắt cổ chai” nguy hiểm. Mặt đường nhiều đoạn rộng chỉ chừng 3 - 3,5m, do đó mà cánh tài xế ví von: “Trông nó chẳng khác gì… đường làng”. Suốt thời gian dài, người dân lưu thông từ đầu tuyến đến ngã tư Hà Lam (km0+000 - km8+700) gặp nhiều bất lợi trước sự tệ hại của cung đường. Chưa kể, dọc cung đường này có nhiều nhà máy đang hoạt động nên xe cộ lưu thông càng thêm đông đúc. Đường chật, người đông và bề mặt hư hỏng nặng khiến TNGT xảy ra nhan nhản. Mỗi khi vào mùa mưa bão, đường sá xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao; chẳng hạn lũ lụt sẽ khiến taluy âm nứt gãy, còn đất đá, cây cối taluy dương đổ ập xuống mặt đường gây ách tắc lưu thông nhiều ngày. Còn nhớ trưa 5.11.2017, đất đá ở taluy dương, bên phải tuyến lý trình km84+500 (xã Phước Hòa, Phước Sơn) bị sạt lở hơn 30.000m3. Hậu quả thật bi thảm khi có 4 nạn nhân xấu số bị vùi lấp bên dưới tử vong.

Cần sớm nâng cấp

Để kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, san sẻ bớt lưu lượng phương tiện trên QL14E đoạn đầu tuyến đến ngã tư Hà Lam, Quảng Nam đã nỗ lực đầu tư 2 dự án gồm đường nối từ đường 129 lên giáp QL1 (tại ngã ba Cây Cốc) và đường nối từ QL1 (ngã ba Cây Cốc) lên gần giáp cao tốc với QL14E (lý trình km15+300, xã Bình Quý, Thăng Bình). Về trách nhiệm của mình, Bộ GTVT cần quan tâm những đoạn còn lại, đặc biệt phải sớm xây dựng cầu đường bộ vượt đường sắt Bắc - Nam, đoạn từ km15+300 đến vòng xuyến đường cao tốc (tại km16+300). Có như vậy, trục ngang huyết mạch này mới đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Lợi thế QL14E, Hiệp Đức hiện có các cụm công nghiệp Quế Thọ 2, Quế Thọ 3, Tân An, Bà Huỳnh thu hút 6 doanh nghiệp vào đầu tư. Hoạt động của các nhà máy tạo việc làm khoảng trên dưới 500 lao động, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông - lâm nghiệp, nhất là cây keo, cây cao su đang là thế mạnh của địa phương. Thế nhưng thực trạng QL14E dẫn đến nhiều khó khăn, vượt quá tầm xử lý của địa phương. Theo ông Trần Thọ - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Hiệp Đức, chính quyền huyện đang loay hoay chẳng biết phải tháo gỡ cho doanh nghiệp như thế nào trước tình trạng mặt đường QL14E chật hẹp. Trong lúc, nhà máy muốn hoạt động thông suốt, hiệu quả thì xe vận chuyển nguyên liệu đầu vào để sản xuất chế biến, sản phẩm đầu ra phải lưu thông thuận tiện và an toàn. Hiệp Đức đang chủ trương kêu gọi đầu tư chế biến sâu về nông - lâm sản, nhưng ngặt một nỗi doanh nghiệp đặt chân về tìm hiểu đã lập tức lo ngại trước hạ tầng giao thông nghèo nàn.

Sự xuống cấp của tuyến đường này gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Chủ tịch UBND xã Quế Bình (Hiệp Đức) - ông Phạm Thanh Ba cho hay, mật độ xe tải lưu thông gần đây trên QL14E cao, ngược lại mặt đường hư hỏng khiến an toàn giao thông không đảm bảo, xuất hiện 2 “điểm đen” TNGT chết người tại khu vực dốc Đất Đỏ và gần đập hồ Bình Hòa. Thống kê đầu năm 2018 đến nay, QL14E qua Hiệp Đức xảy ra 19 vụ TNGT, làm chết 4 người và khiến nhiều nạn nhân khác bị thương tật. “Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc nâng cấp, mở rộng tuyến đường nhằm giải quyết vấn đề an sinh, cải thiện đời sống nhân dân” - ông Phạm Thanh Ba kiến nghị. Lãnh đạo các huyện nêu trên cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hàng năm đều có bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ và thường xuyên những vị trí hư hỏng, tuy nhiên giải pháp vừa nêu chỉ là tình thế. Chính vì vậy, hầu như trước kỳ họp Quốc hội nào, người dân đều phàn nàn về sự xuống cấp của QL14E. Qua làm việc với nhiều đời bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên kiến nghị cần sớm nâng cấp, mở rộng tuyến huyết mạch kết nối đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi này nhưng rồi... cứ chờ mãi.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chật chội quốc lộ 14E
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO